Trong nước

Bệnh tay chân miệng tái nhiễm nhiều lần... biến chứng nguy hiểm

  • Tác giả : Thúy Nga
Các bác sĩ cảnh báo, tay chân miệng biến chuyển rất nhanh, phức tạp và khó lường. Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Biến chứng tay chân miệng có thể trở nặng sau vài giờ, cần phải chú ý.

“Có hơn 10 chủng virus thuộc nhóm virus đường ruột (Enterovirus) có thể gây bệnh tay chân miệng. Vì thế, bệnh tay chân miệng có thể tái phát nhiều lần. Nhiều trẻ có thể mắc 2-3, thậm chí nhiều hơn với các biểu hiện khác nhau” - TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo.

Hà Nội bước vào đỉnh dịch chu kỳ lần 1

Nguyên tắc chăm sóc trẻ bị bệnh

- Cần cách ly trẻ mắc tay chân miệng để hạn chế sự lây nhiễm

- Trẻ khi được xác định mắc bệnh tay chân miệng phải được nghỉ học cho đến khi bệnh khỏi hẳn, để ngăn chặn sự lây nhiễm cho các trẻ khác trong môi trường học đường.

- Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh bằng nhiều cách, tùy theo hoàn cảnh gia đình.

- Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh, nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh.

- Sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.

Ngày 22/4, Sở Y tế TP Hà Nội phát đi cảnh báo, chỉ trong một tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 186 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 770 ca mắc, chưa có ca tử vong, tăng 85% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023.

Theo CDC Hà Nội, hiện Hà Nội bước vào đỉnh dịch tay chân miệng chu kỳ lần 1. Hiện Hà Nội có 8 ổ dịch đang hoạt động. Tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch. Do đó, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả.

Khảo sát tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca mắc tay chân miệng nặng phải nhập viện.

Bà Đỗ Thị Thúy Hậu, điều dưỡng trưởng Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại TP HCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ ngày 8/4 đến 14/4, có 287 ca mắc tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 1 tháng trước.

Bệnh tay chân miệng tái nhiễm nhiều lần... biến chứng nguy hiểm ảnh 1

Bệnh tay chân miệng tái nhiễm nhiều lần... biến chứng nguy hiểm

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, hiện tay chân miệng vẫn chưa đến đỉnh dịch, số ca mắc sẽ tăng cao từ tháng 7 - 11.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo khi trẻ còn triệu chứng bệnh tay chân miệng, không cho phép tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi, cho đến khi hết loét miệng và các phỏng nước.

Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, phỏng nước, phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng.

Các cơ sở giáo dục cần làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng cloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc; ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng.

Bộ Y tế lưu ý hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ, vì vậy, vấn đề phòng bệnh là hết sức quan trọng.

Chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi TƯ

Chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi TƯ

Tái đi tái lại nhiều lần và chuyển nặng bất ngờ

Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Trẻ mắc bệnh thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, ngoài hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71) còn có hơn 10 chủng virus thuộc nhóm virus đường ruột (Enterovirus) có thể gây bệnh tay chân miệng.

Vì thế, bệnh tay chân miệng có thể tái phát nhiều lần nếu trẻ tiếp xúc với người bị. Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn. Chính vì lẽ đó, trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần và biểu hiện bệnh lần sau có thể giống hoặc khác với lần trước.

Các bác sĩ cảnh báo, tay chân miệng biến chuyển rất nhanh, phức tạp và khó lường khi trẻ mắc. Trong giai đoạn toàn phát (xuất hiện sớm khoảng từ 2 – 5 ngày của bệnh) Biến chứng bao gồm: Về chứng thần kinh (viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy...); Về tim mạch, hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim và trụy mạch...)...

Giai đoạn sau: Không đo được mạch và huyết áp; Khó thở: Bệnh nhi thở nhanh, nông, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản, không đều; Phù phổi cấp: Trẻ sùi bọt hồng, khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.

Vì vậy, cha mẹ cần chú ý ba dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời:

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Đây là tình các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen.

Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Cách vệ sinh cho trẻ bệnh

- Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng, nước sạch, để giúp hạn chế sự lan truyền bệnh tay chân miệng cho trẻ lành, ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm.

- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy, để ngăn ngừa sự tái nhiễm bệnh.

- Quần áo của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn Cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.

- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, bát đũa và thìa ăn cơm… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.

Thúy Nga