Dữ liệu y khoa

Bài thuốc đông y trị tay chân miệng

  • Tác giả : ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
Hiện cả nước có hơn 10.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm não và viêm màng não... dẫn tới tử vong.

Trong đông y không có bệnh danh "bệnh tay chân miệng" nhưng căn cứ vào các biểu hiện của bệnh, có thể thấy, bệnh phát sinh là do phong thấp nhiệt độc từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường miệng, kết hợp với thấp trọc tích tụ lâu ngày bên trong cơ thể, ảnh hưởng đến các phủ tạng, đặc biệt là tạng Phế và Tỳ.

Điều trị tay chân miệng bằng đông y

Thuốc uống

Cỏ chân vịt: 50g bỏ rễ và hoa, rửa sạch, phơi hay sấy khô, lấy 30g sắc uống, 20g còn lại đốt thành than, tán nhỏ rồi rắc và xoa vào chỗ bị bỏng rạ, mỗi ngày 1 lần. Nếu mụn nước bị vỡ thì dùng nước cốt nghệ bôi lên để tránh làm mủ, hàng ngày kết hợp tắm rửa bằng nước sắc lá kinh giới hoặc vỏ cây sung.

Kim ngân hoa 18g, cam thảo 3g, sắc uống, dùng cho thể nhẹ. Hoặc kim ngân hoa 12g, rau diếp cá 12g, quả dành dành 12g, cam thảo đất 12g, rau má 12g, lá chanh 12g, sắc uống.

Lô căn 60g, dã cúc hoa 10g, sắc uống, dùng cho thể nhẹ.

Bản lam căn 30 - 50g, sắc uống thay trà.

Ma hoàng 1,5g, cam thảo 1,5g, liên kiều 4,5g, tử thảo 4,5g, tang bạch bì 4,5g, hạnh nhân 3g, kim ngân dây 10g, xích thược 9g, sắc uống.

Lá dâu tằm 12g, cam thảo đất 12g, rễ cây sậy 12g, lá tre 12g, bạc hà 12g, kinh giới 12g, sắc uống.

Cỏ chân vịt có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh chân tay miệng - Ảnh Minh họa

Cỏ chân vịt có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh chân tay miệng - Ảnh Minh họa

Thuốc dùng ngoài

Bài 1: Rễ hải kim sa 30g, dã cúc hoa 10g, chi tử 3 g, sắc lấy nước rửa tổn thương.

Bài 2: Sài hồ 10g, hoàng cầm 12g, xích thược 16g, hoàng bá 15g, cam thảo 6g, sắc rửa tổn thương hàng ngày.

Bài 3: Khổ sâm 20g, bèo cái 20g, đại thanh diệp 20g, quán chúng 20g. Tất cả cho vào túi vải, sắc trong 10 phút với 1800 ml nước, sau đó bỏ bã, ngâm rửa vết thương mỗi ngày 2 lần.

Bài 4: Thanh đại 60g, thạch cao 120g, hoạt thạch 120, hoàng bá 60g, tất cả sấy khô tán mịn, dùng để rắc xoa hoặc trộn với dầu vừng bôi vào các vết loét do mụn nước vỡ.

Bài 5: Xích thạch chi, lô cam thạch, thạch cao và hàn thuỷ thạch đã chế, lượng bằng nhau, tán thật mịn, xoa vào tổn thương, thường dùng cho trường hợp mụn nước đã hóa mủ.

Bài 6: Hoạt thạch 10g, thạch cao 10g, cam thảo 10g, tất cả tán mịn, hoà với dầu vừng, bôi vào vết loét mỗi ngày 1 lần.

Bài 7: Lá và cành hoa lựu trắng lượng vừa đủ, sắc lấy nước ngâm rửa tổn thương.

Bài thuốc đông y trị tay chân miệng ảnh 2

Bài thuốc đông y trị tay chân miệng

Biến chứng phối hợp

Tay chân miệng là bệnh do nhóm virus đường ruột gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da dưới dạng phỏng nước, ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Ngoài ra, đối với thể không điển hình thì dấu hiệu phát ban không rõ ràng, chỉ có loét miệng hoặc có bệnh đường hô hấp, tim mạch, hệ thần kinh mà không phát ban và loét miệng.

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của người bị nhiễm bệnh.

Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày.

Giai đoạn khởi phát 1-2 ngày với các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các biểu hiện loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng lợi, lưỡi), gây đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt. Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, không loét hay bội nhiễm.

Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, người bệnh hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Các biến chứng thường gặp là viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau trên cùng một bệnh nhân. Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn biến rất nhanh có thể trong 24 giờ.

Biểu hiện biến chứng viêm não, viêm màng não: Trẻ thì quấy khóc, ngủ nhiều, hoảng hốt hay giật mình, run chân tay, yếu chi, đứng không vững, đi loạng choạng... Diễn biến rất nhanh dẫn đến co giật, khó thở, suy hô hấp. Cần chú ý phát hiện sớm biến chứng viêm não màng não và đến bệnh viện trong vòng 6 giờ đầu sau khi xuất hiện các biểu hiện của biến chứng để được cấp cứu kịp thời.

“Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đến thời điểm này chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.

Phòng bệnh và tránh lây bệnh qua người khác bằng cách giữ vệ sinh chung như thường xuyên rửa tay (nhất là sau khi chăm sóc trẻ bệnh), rửa tay trước khi ăn cho trẻ. Không dùng các đồ chơi của các em bệnh và nên cách ly trẻ bệnh với trường học.”- TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tại “Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh toàn quốc diễn ra chiều 10/4.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Nguyên chủ nhiệm khoa Đông Y Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn