Dữ liệu y khoa

Bệnh nhi đầu tiên trên thế giới được ghép ruột từ người ngừng tim

  • Tác giả : Thúy Nga
Ca phẫu thuật tiên phong tại Bệnh viện La Paz ở Madrid - Tây Ban Nha đã cấy ghép ruột thành công cho một bé gái 1 tuổi bằng phần cơ thể từ người hiến tặng đã chết vì suy tim.

Bé gái 1 tuổi người Tây Ban Nha đã trở thành trường hợp đầu tiên trên thế giới được cấy ghép thành công ruột của một người hiến tặng qua đời do suy tim.

Ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện La Paz ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. "Đứa trẻ hiện đã được xuất viện và đang ở trong tình trạng hoàn hảo ở nhà với cha mẹ" - Thông báo từ Bệnh viện La Paz hôm 11/10 khẳng định.

Vào thời điểm đó người hiến tặng ruột cho bé Emma được xác định đã chết não, ngừng hô hấp - tuần hoàn. Các cơ quan nội tạng được lấy ra và bảo quản nhân tạo bởi hệ thống ECMO (hệ thống oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, còn được gọi là "tim phổi nhân tạo").

Ca phẫu thuật ghép ruột cho bé Emma tại Bệnh viện La Paz - Tây Ban Nha - Ảnh: bệnh viện LA PAZ/REUTERS

Ca phẫu thuật ghép ruột cho bé Emma tại Bệnh viện La Paz - Tây Ban Nha - Ảnh: bệnh viện LA PAZ/REUTERS

ECMO đã giúp cải thiện được khó khăn lớn nhất của ca ghép ruột, đó là ruột rất khó bảo quản nếu không được nuôi dưỡng liên tục bởi trái tim. Emma lại cần nhiều thành phần của bộ ruột chứ không phải chỉ một đoạn ngắn. "Tim phổi nhân tạo" ECMO đã giúp các cơ quan được bảo quản tốt như khi còn sống cho đến khi tiếp cận được cơ thể mới.

Điều khiến trường hợp của Emma trở nên đặc biệt là sự khó khăn trong việc bảo quản một đoạn ruột từ việc hiến tặng không có tâm thu do đặc điểm của cơ quan tiêu hóa.

Theo hãng tin Reuters, bé gái tên Emma, 13 tháng tuổi vào thời điểm phẫu thuật, ​​được chẩn đoán mắc chứng suy ruột từ mới 1 tháng tuổi vì ruột của em quá ngắn, sức khỏe suy giảm nhanh chóng và sẽ tử vong nếu không được ghép tạng. Ngoài ruột, Emma còn được ghép gan, dạ dày, lá lách và tuyến tụy mới.

Emma đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép ruột. Cơ quan y tế đã chờ đợi cho đến khi kết quả chắc chắn, Emma đã sống chung với ruột mới hoàn toàn khỏe mạnh mới công bố về ca phẫu thuật đột phá.

Phát biểu với báo giới trước khi gửi lời cảm ơn đến gia đình người hiến tặng và các bác sĩ, mẹ của cô bé cho biết: Tin tốt là cuộc sống vẫn tiếp diễn, Emma rất dũng cảm và từng ngày chứng minh rằng cô ấy muốn tiếp tục sống. Hiện Emma đã 17 tháng tuổi.

Tây Ban Nha là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về cấy ghép nội tạng, với tỉ lệ hơn 102 ca trên 1 triệu dân trong năm 2021, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế nước này.

Thúy Nga