Trong nước

Bé 16 tháng tuổi bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh hiếm gặp

  • Tác giả : Thúy Nga
Thoát vị hoành bẩm sinh là sự khiếm khuyết của cơ hoành dẫn đến các tạng trong ổ bụng chui lên lồng ngực từ khi thai nhi trong bụng mẹ. Tỷ lệ tử vong của thoát vị hoành là hơn 60%. Bệnh cần được phát hiện sớm để phẫu thuật.

3h nhập viện đã phải mổ nội soi cấp cứu vì ruột chui lên lồng ngực

Các bác sỹ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết vừa phẫu thuật nội soi cấp cứu thành công một trường hợp trẻ 16 tháng tuổi bị thoát vị cơ hoành bên phải bẩm sinh. Đây là một ca bệnh ít gặp do bệnh thoát vị hoành chủ yếu xảy ra ở bên trái.

Theo đó, Bệnh nhi P.Q.N (16 tháng tuổi) ở nhà ho, khó thở 4 ngày; đi khám tại phòng khám tư nhân được điều trị theo hướng viêm phổi.

Sau đó trẻ xuất hiện nôn, gia đình đưa trẻ đến khám tại một bệnh viện tư nhân trong thành phố, tại đây trẻ được chẩn đoán viêm phổi/ nhiễm virus RSV/ theo dõi thoát vị cơ hoành chưa loại trừ dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh.

9h sáng ngày 11/4, trẻ đã được chuyển đến bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Sau khi được khám và làm xét nghiệm chuyên sâu, trẻ đã được các Bác sỹ khoa Ngoại tổng hợp chẩn đoán Suy hô hấp/ thoát vị cơ hoành bên Phải/ viêm phổi nặng nhiễm virus RSV.

Sau 3h nhập viện, trẻ được chỉ định mổ nội soi lồng ngực cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện nhiều đoạn ruột từ ổ bụng chui lên khoang lồng ngực bên phải.

Do bệnh diễn biến lâu, các quai ruột phù nề gây chèn ép tim và mạch máu lớn gây xẹp phổi P. Sau khi cẩn thận, khéo léo đưa các đoạn ruột trở lại ổ bụng, các bác sĩ phát hiện cơ hoành bên P bị thiểu sản nặng tạo 1 lỗ đường kính 5cm thông thương với ổ bụng.

Việc thiểu sản nặng khiến các Bác sĩ phải rất khó khăn trong việc khâu phục hồi cơ hoành khi phải kết hợp nội soi kèm khâu ngoài thành ngực mới có thể đóng kín được lỗ thoát vị.

Lỗ thoát vị hoành P gần 5 cm

Lỗ thoát vị hoành P gần 5 cm

Ca phẫu thuật cấp cứu diễn ra trong giờ nghỉ trưa, kết thúc thành công sau gần 1 giờ trong niềm vui của đội ngũ bác sĩ và gia đình. Đến chiều cùng ngày trẻ đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, chơi ngoan. Sau 8 ngày điều trị trẻ đã được xuất viện.

Lỗ thoát vị được khâu kín bằng nội soi kết hợp khâu ngoài thành ngực

Lỗ thoát vị được khâu kín bằng nội soi kết hợp khâu ngoài thành ngực

Hơn 60% nguyên nhân là do thiểu sản phổi kết hợp các dị tật khác

BSCKI Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết: Thoát vị hoành bẩm sinh là sự khiếm khuyết của cơ hoành dẫn đến các tạng trong ổ bụng như ruột non, đại tràng, dạ dày, lách, gan chui lên lồng ngực từ khi thai nhi trong bụng mẹ gây thiểu sản phổi.

Tỷ lệ gặp bệnh khoảng 1/2500 – 1/5000 trẻ. Trường hợp vị hoành bên P của BN P.Q.Nh là rất hiếm gặp, do thoát vị hoành phần lớn ở bên trái (90%) và chủ yếu là thoát vị qua lỗ sau bên của cơ hoành trái (Thoát vị Bochdalek).

Trước đây tỷ lệ tử vong của thoát vị hoành là hơn 60%, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi, kết hợp các dị tật khác phối hợp.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường gặp là khó thở, thở gắng sức, tím tái sau sinh, suy hô hấp… ngoài ra dạ dày, ruột chui lên lồng ngực bị nghẹt lại gây các triệu chứng tắc ruột rất khó chẩn đoán nếu không có kinh nghiệm.

Hình ảnh các quai ruột chui lên lồng ngực qua lỗ thoát vị hoành P

Hình ảnh các quai ruột chui lên lồng ngực qua lỗ thoát vị hoành P

Phẫu thuật là phương pháp điều trị bắt buộc – đây là một phẫu thuật khó, đặc biệt là phẫu thuật nội soi trên bệnh nhân 16 tháng tuổi. Do khoang lồng ngực nhỏ, tình trạng phổi của bệnh nhân bị chèn ép lâu dài từ trong thời kỳ bào thai dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi luôn là thách thức lớn đối với không chỉ Bác sĩ phẫu thuật mà ngay cả Bác sĩ gây mê.

Do vậy, có rất ít bệnh viện trong thành phố Hải Phòng cũng như các tỉnh thành lân cận có thể thực hiện được phẫu thuật này.

Vòm hoành P liên tục trên phim Xquang ngực buổi chiều ngay sau mổ

Vòm hoành P liên tục trên phim Xquang ngực buổi chiều ngay sau mổ

Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi phát hiện trẻ có bất kì dấu hiệu nào bất thường như: đau bụng, nôn, khó thở, tím… cha mẹ không nên chủ quan mà nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi để được khám và điều trị kịp thời.

Thúy Nga