Khám phá

360 độ khoa học công nghệ

  • Tác giả : Tuấn Anh
Những phát minh mang tính đột phá trong năm 2023 được cho ảnh hưởng lớn mọi mặt trong đời sống xã hội.

Trí thông minh nhân tạo

Công nghệ máy học và phần cứng máy tính đã đủ để các nhà khoa học “huấn luyện” máy tính phục vụ theo mệnh lệnh của con người. Những bước tiến lớn của công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) đang dần xuất hiện trong cuộc sống và thay thế sức người trong nhiều lĩnh vực. Một vài công nghệ nổi bật sử dụng AI có thể kể đến như xe tự lái, phiên dịch, trợ lý ảo hay thậm chí cả trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh.

Cùng sự phát triển của công nghệ trí thông minh nhân tạo, CNN dự đoán tới năm 2027, nhu cầu về việc làm trong lĩnh vực máy học và an ninh mạng sẽ tăng trung bình khoảng 30%.

Với công nghệ AI, ranh giới giữa người và máy ngày càng trở nên mong manh. Ảnh: Finitech.

Với công nghệ AI, ranh giới giữa người và máy ngày càng trở nên mong manh. Ảnh: Finitech.

Máy tính lượng tử

Một trong những cách thức nghiên cứu và phát triển công nghệ được các nhà khoa học thực hiện suốt hàng trăm năm qua đó là “thử - sai”. Bằng những thực nghiệm đơn giản và tìm ra sai lầm trong phát minh của mình, các nhà khoa học có thể dần hoàn thiện sản phẩm, giúp tạo ra giải pháp công nghệ để phục vụ nhiều tiện ích trong cuộc sống.

Với sự ra đời của máy tính lượng tử, hàng nghìn thử nghiệm “thử - sai” có thể được thực hiện mô phỏng trên hệ thống giả lập. Với khả năng tính toán cao gấp hàng triệu lần so với máy tính phổ thông ngày nay, máy tính lượng tử có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, ví dụ thiết kế vật liệu, giải mã, di truyền học, dược học…

Đây đều là những lĩnh vực phát triển rất chậm do rào cản của công nghệ hiện tại, không cho phép các nhà khoa học có thể đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và thử nghiệm. Tuy nhiên, sự ra đời của máy tính lượng tử có thể coi là “kẻ thay đổi cuộc chơi” trong những lĩnh vực này.

Máy tính lượng tử có khả năng tính toán vượt trội hoàn toàn so với cách tính toán thông thường của máy tính phổ thông. Ảnh: CNBC.

Máy tính lượng tử có khả năng tính toán vượt trội hoàn toàn so với cách tính toán thông thường của máy tính phổ thông. Ảnh: CNBC.

Kỹ thuật gen

Bằng công nghệ, các nhà khoa học có thể can thiệp vào cấu trúc di truyền của một cá thể sống. Kỹ thuật can thiệp và chỉnh sửa gen được sử dụng để điều trị những bệnh di truyền mãn tính, xóa bỏ nhiều bệnh hiểm nghèo mà nguồn gốc từ gen lỗi, thậm chí sử dụng để nhân bản vô tính.

Không chỉ ở lĩnh vực y học, kỹ thuật gen còn ứng dụng rất rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, cho phép tạo ra những loại cây trồng biến đổi gen, có khả năng chống chịu cao dịch bệnh, côn trùng hoặc sức chịu đựng tốt hơn trước hạn hán, biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, sự can thiệp về mặt sinh học còn mở ra cơ hội cho nhà khoa học tìm kiếm một loại nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, giúp tăng khả năng ứng dụng của nhiên liệu sinh học trong cuộc sống, giảm giá thành sản xuất. Qua đó, nhiên liệu sinh học có thể cạnh tranh trực tiếp với nhiên liệu hóa thạch.

Công nghệ chỉnh sửa gen được xem là bước tiến vĩ đại nhất trong lĩnh vực di truyền học. Ảnh: Genetic.

Công nghệ chỉnh sửa gen được xem là bước tiến vĩ đại nhất trong lĩnh vực di truyền học. Ảnh: Genetic.

Công nghệ in 3D

Dù đã ra đời từ lâu, công nghệ in 3D mới thực sự thu hút được sự chú ý trong vài năm trở lại đây. Cùng sự phát triển trong lĩnh vực vật liệu, giờ đây, các máy in 3D có thể được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Sản phẩm in 3D được ứng dụng trong nhiều công đoạn thiết kế, đòi hỏi độ chính xác và tính tỉ mỉ cao.

Trước đây, in 3D chỉ có độ chính xác mang tính tương đối. Sản phẩm từ máy in 3D còn có phần khá thô sơ, cần trải qua nhiều công đoạn gia công trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, bằng việc ứng dụng nhiều loại vật liệu mới vào in 3D, các nhà khoa học thậm chí đã in được những chi giả để phục vụ người khuyết tật. Thậm chí, các máy in 3D thế hệ mới còn in ra… thịt từ nguyên liệu đầu vào là rau củ.

Máy in 3D có khả năng in ra vật liệu có độ chính xác cực cao nhờ công nghệ vật liệu mới. Ảnh: EGNR.

Máy in 3D có khả năng in ra vật liệu có độ chính xác cực cao nhờ công nghệ vật liệu mới. Ảnh: EGNR.

Công nghệ thực tế ảo

Bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2021, công nghệ thực tế ảo (VR) đang dần trở nên hữu dụng hơn trong cuộc sống. Khác với ý tưởng tạo ra thế giới ảo hoàn toàn, cho phép người dùng sống và hưởng thụ bên trong, giờ đây, công nghệ VR hướng tới ứng dụng thiết thực hơn.

Với sự phát triển vượt bậc của phần cứng máy tính, các hệ thống thực tế ảo có khả năng mô phỏng chính xác môi trường cụ thể, cho phép người sử dụng đặt ra kịch bản mang tính đặc thù, qua đó huấn luyện hoặc đào tạo học viên.

Một số ứng dụng rất thiết thực của công nghệ VR thời gian qua có thể kể đến đào tạo phi công quân sự, học viên nhảy dù, thậm chí là đào tạo phi hành gia.

Với công nghệ thực tế ảo, việc đào tạo học viên cho những lĩnh vực đặc thù đã giảm thiểu được 100% nguy cơ xảy ra tai nạn.

Công nghệ thực tế ảo được ứng dụng trong đào tạo phi công quân sự. Ảnh: Mil.

Công nghệ thực tế ảo được ứng dụng trong đào tạo phi công quân sự. Ảnh: Mil.

Tuấn Anh