Khám phá

Công ty công nghệ nào "giữ chân" nhân viên ngắn nhất tại Mỹ?

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Các nhân viên công nghệ, đặc biệt là các kỹ sư thường xuyên nhảy việc để tăng lương. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi trong những năm gần đây khi tình trạng sa thải hàng loạt, khiến nhiều nhân viên công nghệ phải ngồi yên.

Cụ thể, nền tảng xây dựng sơ yếu lý lịch Resume.io đã xem xét dữ liệu LinkedIn của 100 công ty hàng đầu trên thị trường ở Mỹ để tìm ra nơi làm việc có khả năng "giữ chân" nhân viên lâu nhất và ngắn nhất.

Nghiên cứu cho thấy, các công ty công nghệ có thời gian giữ chân nhân viên ngắn nhất bao gồm Amazon và Meta đứng ở vị trí thứ hai, sau Apple và Tesla và Netflix không quá xa.

Top 10 công ty có thời gian "giữ chân" nhân viên ngắn nhất năm 2023 (Ảnh: Daily Mail).

Top 10 công ty có thời gian "giữ chân" nhân viên ngắn nhất năm 2023 (Ảnh: Daily Mail).

Top 4 công ty có thời gian "giữ chân" nhân viên ngắn nhất tại Mỹ gồm:

Apple (1,7 năm)

Đứng ở vị trí đầu tiên là công ty có giá trị nhất thế giới, Apple, trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD dưới thời CEO Tim Cook. Tuy nhiên, thời gian trung bình của 1 nhân viên bám trụ tại công ty chỉ là 1,7 năm.

Theo báo cáo vào năm 2022, kế hoạch ngăn cản nhân viên chuyển sang Meta của nhà sản xuất iPhone đã phản tác dụng. Công ty có trụ sở tại Palo-Alto đã thưởng bằng cổ phiếu cho các kỹ sư giỏi nhất từ 50.000 - 180.000 USD (từ 1,1 - 4,26 tỷ đồng) nhưng vẫn không ngăn được nhân viên rời đi do khó chịu vì bị đối xử bất bình đẳng. Apple có trụ sở tại Cupertino, California, có khoảng 164.000 nhân viên.

Amazon và Meta (1,8 năm)

“Gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Amazon và Meta, công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp, đứng ở vị trí thứ hai với thời gian giữ chân nhân viên trung bình là 1,8 năm.

Amazon, trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD từ lâu đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội về việc đối xử tệ bạc với nhân viên, đặc biệt là nhân viên kho hàng và giao hàng.

Vào tháng Năm vừa qua, hàng trăm nhân viên tại trụ sở chính của công ty ở Seattle đã xuống đường để phản đối việc sa thải và yêu cầu quay trở lại văn phòng.

Lực lượng lao động của Amazon lên tới 1.541.000, tăng gấp đôi sau đại dịch dưới thời CEO Andy Jassy. Người đứng đầu bộ phận nhân sự của công ty sau đó đã bác bỏ đơn thỉnh cầu của hơn 30.000 nhân viên về việc yêu cầu xem xét lại việc quay trở lại văn phòng.

Meta - trị giá 804 tỷ USD cũng đã phải giải quyết vấn đề không hài lòng của nhân viên trong những tháng gần đây do sa thải hàng chục nghìn nhân viên sau đại dịch. Công ty có trụ sở tại Menlo Park, California với khoảng 86.482 nhân viên.

Elevance Heath (1,9 năm)

Nhà cung cấp bảo hiểm y tế trị giá 110 tỷ USD, có trụ sở tại Indiana là công ty duy nhất trong top 4 không phải là doanh nghiệp công nghệ.

Công ty có khoảng 102.300 nhân viên dưới sự điều hành của CEO Gail Koziara Boudreaux. Theo các bài đăng ẩn danh, kỹ năng quản lý yếu kém của cấp trên tại công ty là lý do chính khiến nhân viên nghỉ việc.

Tesla (2 năm)

CEO Tesla - Elon Musk là một ông chủ nổi tiếng khắt khe. Giám đốc của nhà sản xuất ô tô điện cũng khẳng định không chấp nhận cho nhân viên làm việc từ xa.

Trong một email bị rò rỉ gửi cho nhân viên vào năm ngoái, ông Musk đã tuyên bố, bất kỳ nhân viên điều hành nào muốn làm việc từ xa đều phải ở văn phòng tối thiểu 40 giờ mỗi tuần “hoặc rời khỏi Tesla”.

Trước đó, ông Musk đã từng phản đối các chính sách làm việc từ xa và chỉ trích người Mỹ vì “cố gắng tránh đi làm” và so sánh với nhân viên ở Trung Quốc. Gần đây, Tesla - có trị giá 818 tỷ USD đã chuyển trụ sở chính từ California đến Austin, Texas và có khoảng 127.855 nhân viên.

Tuấn Huy (T/H)