Thời sự

26 ngày tuổi đã xuất huyết não: Bệnh viện thuyết phục bố mẹ để cứu trẻ

  • Tác giả : Thúy Nga
Bác sĩ phải thuyết phục bố mẹ cho mổ để cứu bé sơ sinh bị xuất huyết não nguy kịch. Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có tỉ lệ tử vong cao và biến chứng lên tới 25 - 45%, cha mẹ cần chú ý.

Vượt gần 400km nhưng cương quyết đưa con về vì quá nghèo

Trưa ngày 16/6, bố mẹ bé Xồng Bá Anh – em bé sơ sinh 26 ngày tuổi tới từ bản Phà Tả, xã Đooc Mạy, huyện miền núi Kỳ Sơn thất thần ngồi trước bản cam kết xin đưa con về.

Từ một bản vùng sâu, vùng xa nhất xứ Nghệ, sát biên giới nước bạn Lào, em bé sơ sinh mới chào đời đã phải vượt gần 400km để xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị bệnh. Vậy nhưng, số phận của con ngày hôm đó, dường như đã phải khép lại vì lý do gia đình quá nghèo.

Theo lời kể của bố mẹ, trước khi vào viện, bé có biểu hiện quấy khóc từng cơn, mệt dần, da xanh nhợt tăng lên và bú kém, nôn trớ. Bệnh nhi được chuyển khoa Hồi sức Ngoại khoa theo dõi, an thần, đặt ống nội khí quản thở máy kiểm soát hô hấp, đặt huyết áp động mạch xâm lấn theo dõi huyết động liên tục, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để truyền thuốc cấp cứu. Những chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cấp cứu được thực hiện.

Hình ảnh phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh nhu mô não thùy đỉnh chẩm trái có khối xuất huyết kích thước 35x34x42mm, phù não gây đè ép xẹp não thất bên trái, đẩy lệch đường giữa sang phải 11mm, tụ máu dưới màng cứng.

Bệnh nhi được điều trị tích cực tình trạng tăng áp lực nội sọ. Nhận định tình trạng mạch máu não của bệnh nhi có thể bị vỡ gây chảy máu não và màng não, có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh, cuộc hội chẩn giữa Ban Giám đốc BV, khoa Hồi sức Ngoại, khoa Chấn thương, Gây mê và các phòng chức năng liên quan đã đi đến thống nhất: dù nguy cơ tử vong trong và sau mổ của trẻ rất cao; nhưng phương án tối ưu nhất là chuyển mổ sọ não cấp cứu, cứu trẻ bằng mọi cách.

26 ngày tuổi đã xuất huyết não: Bệnh viện thuyết phục bố mẹ để cứu trẻ ảnh 1

26 ngày tuổi đã xuất huyết não: Bệnh viện thuyết phục bố mẹ để cứu trẻ

Tuy nhiên, khi giải thích cho gia đình về ca mổ cấp cứu, bố mẹ bé e ngại lắc đầu, từ chối và nhất quyết đem con về. Qua chia sẻ bằng ngôn ngữ tiếng Kinh không rõ lời với cán bộ Công tác xã hội, những khó khăn, vướng mắc của bố mẹ bé được giãi bày: Toàn bộ "gia sản" của hộ nghèo nhất bản, và những khoản đi vay mượn đã dồn để cứu ông nội bé vừa mất vì bị bệnh ung thư.

Mượn trong bản được 1 ít tiền đem con đi viện đã cạn kiệt, những khoản chi phí điều trị, sinh hoạt phí cho bố mẹ bé trong những ngày bé nằm viện không còn. Và, còn đó là nỗi lo ở nhà còn 2 con nhỏ phải gửi hàng xóm, không ai chăm sóc.

Không cam tâm để em bé mất cơ hội sống vì "Nghèo khổ", các bác sĩ đã cố gắng thuyết phục, giải thích với bố mẹ bé là dù tình trạng bệnh nhân “thập tử nhất sinh” nhưng còn cơ hội cứu sống thì không thể từ bỏ. Bởi nếu không mổ thì chắc chắn em bé sẽ tử vong.

Những phương án ứng cứu cho gia đình nghèo được thống nhất: Một mặt, Bệnh viện xác minh hoàn cảnh, hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, phẫu thuật cho trẻ; và kêu gọi thêm các mạnh thường quân hỗ trợ.

Mặt khác, phòng Quản lý chất lượng & Công tác xã hội kết nối về bản Phà Tả, đề nghị chính quyền và nhân dân trong bản hỗ trợ chăm sóc 2 bé nhỏ đang mong đợi cha mẹ ở nhà.

Chạy đua thời gian để cứu trẻ

Với sự đồng hành, sẻ chia, thuyết phục của Bệnh viện, từ bản ký cam kết đem con về, anh Xồng Bá Mùa bố bé đã quyết định đặt niềm tin vào Bệnh viện, xác nhận vào cam kết phẫu thuật. Bé được chuyển ngay lên khoa gây mê hồi sức, chạy đua cùng thời gian để phẫu thuật sọ não.

12h trưa 16/6, bé sơ sinh chỉ nặng 2500g Xồng Bá Anh lên khoa gây mê, bước vào cuộc đại phẫu sọ não. Các bác sĩ khẩn trương bước vào ca mổ với quyết tâm mãnh liệt sẽ cứu sống được bệnh nhân.

“Quyết định phẫu thuật là thách thức lớn đối với ê kíp, bởi em bé còn quá nhỏ, nguy cơ tình huống xấu nhất có thể diễn biến bất kỳ lúc nào. Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác, phải cứu sống bệnh nhi, cả tương lai của một sinh mệnh mới chào đời trong tay các bác sĩ.” – BSCKI. Phan Văn Huy – Phó trưởng khoa Chấn thương, phẫu thuật viên chính ca mổ chia sẻ.

Với sự phối hợp của 3 chuyên khoa: phẫu thuật viên khoa Chấn thương; khoa Gây mê; khoa Hồi sức Ngoại khoa, sau 3 giờ phẫu thuật cấp cứu liên tục, tình trạng xuất huyết não của bệnh nhi đã được kiểm soát. Sau phẫu thuật, trẻ phải thở máy, theo dõi sát, kiểm soát liên tục các chức năng sống, hồi sức tích cực.

Đồng hành trong từng khoảnh khắc con nhỏ theo dõi tách biệt trong phòng hậu phẫu là bố mẹ nghèo của em bé túc trực 24/24 ngay chân cầu thang của Bệnh viện. Dù đã nhận được sự hỗ trợ của mạnh thường quân, nhưng vợ chồng Xồng Bá Mùa chắt chiu từng đồng để dành, phòng khi diễn biến của con chuyển nặng.

Và, không phụ tình yêu thương, nỗ lực của các y, bác sĩ, từng ngày, em bé nhỏ dần dần hồi phục. Vượt qua giai đoạn nguy kịch sau những ngày hồi sức tích cực, em bé như chiến binh kiên cường của đại ngàn, đã chiến thắng bệnh tật, bú mẹ tốt, chơi ngoan và được xuất viện về nhà.

Xuất huyết não có là tình trạng một mạch máu não bị vỡ, rò rỉ gây chảy máu não và màng não. Với trẻ sơ sinh, xuất huyết não thường xảy ra ở lớp màng xương sọ, thường gặp ở những trẻ sinh non hoặc mẹ mang thai khi lớn tuổi, gây tỉ lệ tử vong và biến chứng rất cao.

Bất cứ người nào cũng có thể là đối tượng bị xuất huyết não, trong đó có trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tổn thương não ở trẻ đẻ non là rất cao, khoảng 2 - 30% tùy tuổi thai.

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình trạng bệnh cấp tính nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao và biến chứng lên tới 25 - 45%.

Thúy Nga