Ảnh

Xe chở hàng cồng kềnh "nghênh ngang" trên phố

  • Tác giả : Trần Hải
Hiện nay, trên các tuyến phố Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển mô tô, xe máy chở hàng cồng kềnh, vượt quá quy định. Hành vi này luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Chiếc xe chở những bao tải cồng kềnh lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)
Chiếc xe chở những bao tải cồng kềnh lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)

Theo ghi nhận của Khoa học & Đời sống, tại nhiều tuyến phố ở Thủ đô như Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, La Thành, Tam Trinh, Đại La…, khi tham gia giao thông, nhiều người thường tận dụng mô tô, xe máy, xe ba gác để chở hàng hóa cồng kềnh, đủ các loại như quần áo, thực phẩm, đồ gia dụng,...

Thậm chí, có nhiều chiếc xe đã cũ, không bảo đảm tiêu chuẩn về kỹ thuật, không biển số, kính chiếu hậu,... nhưng vẫn chở hàng cồng kềnh, quá chiều cao quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn.

Mặc dù biết hành vi chở hàng hóa quá khổ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhưng vì lợi ích kinh tế, vì mưu sinh mà nhiều người vẫn cố tình vi phạm.

Vừa chằng xong những bao tải phế liệu, chị Ngô Thị Thu (Hưng Yên) ngại ngùng chia sẻ: "Chúng tôi cũng biết là vi phạm luật giao thông, nhưng vì lấy công làm lãi nên vẫn chế thêm phần xe kéo để chở được nhiều hàng và cố tránh vào những giờ cao điểm, phố vắng hoặc đường rộng dù phải đi xa hơn một đoạn”.

“Nhiều khi đi trên đường, thấy những xe tự chế thêm phần kéo để chở hàng, trông cồng kềnh to như chiếc ô tô, tôi phải giảm tay ga và nhường cho họ vượt qua vì biết họ sẽ khuất tầm nhìn và có thể gây tai nạn cho mình", chị Nguyễn An Hà (ở Phạm Văn Đồng) nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Trần Quang Chinh – Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT – CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền các quy định của pháp luật trong việc chở hàng đối với xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông cũng như xử phạt các phương tiện vi phạm.

Về tình trạng xe máy, xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh vượt quá mức quy định, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vẫn xuất hiện trên đường, thường họ đi những cung đường vắng để né tránh cơ quan chức năng. Nhiều phương tiện kém chất lượng nhưng chở hàng có chiều cao, chiều ngang vượt xa khả năng quan sát của người điều khiển phương tiện.

Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 cũng cho biết thêm, việc chở hàng hóa nặng và có kích thước vượt quá quy định sẽ làm người lái bị cản trở tầm nhìn, gặp nhiều khó khăn khi điều khiển xe, nhất là khi sang đường. Đã có những vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra từ chính việc chở hàng hóa cồng kềnh vậy nên người tham gia giao thông cần phải tuân thủ quy định của pháp luật tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Khoa học & Đời sống xin gửi một vài hình ảnh về những chiếc xe máy chở hàng quá khổ trên đường phố Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Chiếc xe đang băng băng trên đường Đại La (quận Hai Bà Trưng)
Chiếc xe đang băng băng trên đường Đại La (quận Hai Bà Trưng)
Một chiếc xe chở phế liệu trên phố Hoàng Cầu.
Một chiếc xe chở phế liệu trên phố Hoàng Cầu.
Nam thanh niên điều khiển xe chở mút xốp phóng nhanh trên phố Bạch Mai.
Nam thanh niên điều khiển xe chở mút xốp phóng nhanh trên phố Bạch Mai.
Chiếc xe được chằng buộc sơ sài với sợi dây bằng cao su.
Chiếc xe được chằng buộc sơ sài với sợi dây bằng cao su.
Chiếc xe máy trên phố Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa)
Chiếc xe máy trên phố Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa)
Xe chở vật liệu sắt xây dựng trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân)
Xe chở vật liệu sắt xây dựng trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân)
Chiếc xe chở rất nhiều hộp xốp to này có kích thước tương đương chiếc xe tải.
Chiếc xe chở rất nhiều hộp xốp to này có kích thước tương đương chiếc xe tải.
Xe đèo xe.
Xe đèo xe.

Theo Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ..., quy định khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, không vượt quá phía sau giá đèo hàng 0,5m, chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng quy định người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh, xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.

Trần Hải