Pháp luật

Xả rác nhiều trả tiền nhiều: Phụ thuộc vào từng địa phương

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Việc điều chỉnh từ thu tiền theo đầu người xả thải sang thu tiền theo lượng rác xả thải trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường được cho là sẽ tạo ra chuyển biến tích cực cho ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Túi rác chuyên dụng

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đưa quy định mới về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa.

Thực chất là hình thức thu gom theo khối lượng, người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người hay hộ gia đình như lâu nay. Điều này sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế chất thải, từ đó hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời thực hiện được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Hiện nay, tại các đô thị như Hà Nội, mức phí mỗi người dân phải trả cho đơn vị xử lý rác sinh hoạt chỉ là 6.000đ/tháng. Hầu hết các doanh nghiệp thu gom, xử lý rác phải dựa vào ngân sách nhà nước.

Do đó, việc thu phí này cũng sẽ góp phần bù đắp một phần kinh phí cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hình thức thu phí qua bán bao bì, thiết bị đựng chất thải hiện đang được Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện khá thành công.

Về phương án xác định dung tích, khối lượng rác thải được đề xuất là thông qua các túi đựng rác. Cụ thể, Bộ TN&MT sẽ thiết kế các mẫu túi đựng rác theo từng dung tích và thu tiền phí xử lý rác thải theo kích cỡ túi.

Để áp dụng phương án này tại Việt Nam, Bộ TN&MT sẽ chia thành 2 công đoạn để thúc đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Giai đoạn đầu thực hiện quy định sẽ khó khăn, nhiều trường hợp sẽ không sử dụng bao bì, thiết bị đựng đúng quy định để trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước thì cần tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và sự giám sát toàn xã hội để thực hiện thành công.

UBND tỉnh quy định cụ thể màu sắc, kích thước, hình dáng đối với bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải; lựa chọn hoặc ủy quyền cho một đơn vị sản xuất bao bì, thiết bị chứa chất thải thực phẩm, chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Việc định giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải bao gồm giá thành sản xuất, kinh doanh bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt và giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ được tỉnh đề xuất và quản lý.

Sau khi người dân thực hiện đúng việc phân loại rác, UBND cấp tỉnh được quyền căn cứ theo điều kiện địa phương để triển khai việc mua - bán bao bì, thiết bị chứa chất thải.

Hiệu quả trông chờ địa phương

Phương án xả rác nhiều, trả tiền nhiều này được nêu trong dự thảo Luật lần này nhận được sự đồng thuận của giới chuyên môn. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí như thế nào để hiệu quả vẫn khiến nhiều người băn khoăn.

Bởi, hiện nay, rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình được tập trung một chỗ, rồi sau đó công nhân vệ sinh mới đến thu gom. Do đó, khi chuyển sang các túi, công nhân vệ sinh phải đến từng nhà. Chưa kể, tại các thành phố lớn, nhiều gia đình ở tận trong "hang cùng ngõ hẻm", như thế sẽ khiến công nhân vệ sinh gặp nhiều khó khăn hơn khi đến thu rác tận nhà.

Lưu ý rằng, trước đây việc phân loại rác theo túi cũng đã được triển khai. Các hộ dân cũng được nhận các loại túi màu để chứa các loại rác khác nhau nhưng sau đó các loại túi ấy cũng được thu gom đưa về bãi chôn lấp. Vì người dân không tin nên các dự án đó đều chưa hiệu quả.

Theo đánh giá của TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mức phí thu gom rác hiện nay đang quá thấp, 90% người dân tại các đô thị lớn không quan tâm đến khoản phí này. Việc thu phí này sẽ làm tăng trách nhiệm của người dân đối với môi trường.

Tuy nhiên, các khoản phí này phải được công khai, minh bạch, để người dân thấy rõ hiệu quả của từng đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác, từ đó tin tưởng vào phương án mới.

Hiện nay, các địa phương đều có các đơn vị để xử lý rác, như URENCO của Hà Nội. Nhưng nếu công khai minh bạch, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh trong thu gom, xử lý rác thì sẽ dần xã hội hóa được công tác này, giúp người dân chịu mức phí phải chăng. Và khi người dân chấp nhận chi phí, đi cùng với đó là các hình phạt nặng cho đổ trộm rác thải, thì nguy cơ vứt rác bừa bãi, hay đổ trộm rác cũng không còn, ông Tùng nhận định.

Như vậy, tính khả thi của Luật còn tùy vào các biện pháp triển khai. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, Luật chỉ quy định nguyên tắc xả thải nhiều thì chi phí nhiều tương ứng, còn thực hiện thì các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm chính, bao gồm chi tiết hóa phương pháp, cách thức để thuận tiện, phù hợp với văn hóa, lề lối sinh hoạt của người dân từng địa phương.

Quốc Trọng