Khoa học & Công nghệ

Việt Nam xây dựng cảng vũ trụ: Tại sao không?

  • Tác giả : Hồng Nhung
Cảng vũ trụ tại Việt Nam sẽ giúp công nghiệp vũ trụ trong nước có cơ hội tốt hơn để tiếp cận với những công nghệ hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào viễn cảnh cảng vũ trụ sẽ có tác động lớn, thúc đẩy công nghiệp vũ trụ của Việt Nam, cũng như cảng hàng không tạo thuận lợi cho ngành vận tải hàng không phát triển nhưng tác động không lớn đối với công nghiệp chế tạo máy bay.

Cảng vũ trụ hoặc sân bay vũ trụ là địa điểm để phóng (hoặc nhận) tàu vũ trụ vào quỹ đạo quanh Trái Đất hoặc trên quỹ đạo liên hành tinh. Các cảng vũ trụ lớn thường bao gồm nhiều hơn một tổ hợp phóng, có thể là các bãi phóng tên lửa được điều chỉnh cho các loại phương tiện phóng khác nhau. Các vị trí này có thể được tách biệt rõ ràng vì lý do an toàn.

Việt Nam có lợi thế để xây cảng vũ trụ

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học Nga, bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như M. Grigoriev, M. Okhochinsky, S. Chirikov và A. Khramov, đã từng đưa ra lập luận về lợi ích của việc xây dựng sân bay vũ trụ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển sáng tạo vượt bậc trong lĩnh vực không gian của Nga và các đối tác.

Trong đó, Việt Nam được các nhà khoa học nêu trên đề xuất là địa điểm khả thi nhất để xây dựng công trình này.

Theo các nhà khoa học này lý giải, Việt Nam có vị trí gần đường xích đạo hơn so với những bãi phóng khác của Nga hiện nay ở vùng Siberi hay tại Baikonur của Kazakhstan. Thêm vào đó, mối quan hệ ngoại giao của Nga và Việt Nam từ trước đến nay luôn tốt đẹp, điều này có thể tạo điều kiện Nga hợp tác thuận lợi với Việt Nam.

Vị trí địa lý gần xích đạo đồng nghĩa với việc tên lửa phóng từ Việt Nam sẽ nằm trong vùng vĩ độ có tốc độ quay nhanh nhất, khoảng 460m/s, giúp giảm 1/10 lượng nhiên liệu cần thiết để phóng tàu vũ trụ. Điều này cho phép các tàu vũ trụ tăng rất nhiều khối lượng hữu dụng lên.

Ngoài ra, cảng Việt Nam có bờ biển phía Đông (thuận chiều quay của Trái Đất) khi các tầng dùng xong có thể cho rơi xuống biển dễ dàng.

Các tác giả dự án của Nga cho rằng, mũi Cà Mau rất có khả năng trở thành địa điểm để xây cảng vũ trụ phù hợp nhất.

Không nên kỳ vọng quá nhiều

Theo GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, chuyên gia của Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam, việc các cường quốc trên thế giới hợp tác với Việt Nam xây cảng vũ trụ sẽ tạo ra cơ hội để thúc đẩy nền khoa học hàng không vũ trụ của nước ta hiện nay.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương nhận định, nền khoa học hàng không vũ trụ của nước ta hiện nay đang mới có những bước đi đầu tiên.

Tuy Việt Nam đã phóng được các vệ tinh viễn thông và viễn thám lên quỹ đạo, nhưng các vệ tinh này do ta mua và sử dụng bãi phóng của nước ngoài.

Đến nay, dấu ấn lớn nhất của ngành hàng không vũ trụ trong nước là nỗ lực nghiên cứu với sự hợp tác của Nhật Bản để chế tạo và phóng các loại vệ tinh nhỏ như Pico - Nano - và Micro - Dragon để phục vụ đào tạo đội ngũ kết hợp một vài nhiệm vụ viễn thông và viễn thám.

Tuy nhiên, nếu có một cảng vũ trụ được xây dựng tại Việt Nam, sẽ kéo theo đó cả một chuỗi công nghệ, nhân lực… để phục vụ cảng vũ trụ này.

Đồng thời, là gia tăng cơ hội giao lưu, trao đổi giữa các nhà khoa học trong nước với các chuyên gia ở cường quốc vũ trụ giúp chúng ta nhanh chóng tiếp cận với những công nghệ tiên tiến trong ngành này.

Tuy còn khá lâu nữa Việt Nam mới chủ động được tên lửa đẩy, nhưng có cảng vũ trụ ít nhất sẽ giúp Việt Nam chủ động được trong việc phóng các vệ tinh lên quỹ đạo.

Bên cạnh đó, việc cho thuê đất để xây dựng, hay thu hút nguồn vốn cho công trình cũng cần phải được Nhà nước tính toán kỹ.

“Có cảng vũ trụ là tốt cho nhiều mặt, nhưng chúng ta không nên đặt kỳ vọng quá nhiều vào thông tin này”, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương nhấn mạnh.

Thaigroup lên kế hoạch đầu tư Cảng Vũ trụ du lịch tại Phú Quốc

HĐQT Công ty CP Thaiholdings (THD), thành viên của Thaigroup vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng Vũ trụ Du lịch tại Phú Quốc, Kiên Giang, trong giai đoạn 2022 - 2026.

Quy mô đầu tư của dự án khoảng 30.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn tự có của Thaigroup và các nguồn huy động khác.

Mục tiêu của dự án, theo Thaiholdings, nhằm đưa Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế và đưa Việt Nam sánh ngang với các cường quốc vũ trụ trên thế giới.

Trước đó, ngày 27/12, Thaigroup đã có công văn gửi tỉnh Kiên Giang xin nghiên cứu, khảo sát vị trí và đề xuất đầu tư dự án này. Văn bản này giải thích, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đã đạt được nhiều bước tiến và mở ra một loại hình du lịch chưa từng có trong lịch sử là du lịch vũ trụ.

Một trong những điều kiện chính để phát triển du lịch vũ trụ là xây dựng cảng vũ trụ, là nơi để phóng hoặc nhận tàu vũ trụ. Theo Thaigroup, các nước Đông Nam Á mặc dù nhu cầu đang rất cần thiết nhưng chưa triển khai được.

Việc phát triển cảng vũ trụ phục vụ cho du lịch sẽ là bước ngoặt đột phá, mang tính lịch sử, mang lại lợi ích to lớn cho ngành du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai.

Hồng Nhung