Dữ liệu y khoa

Viêm cơ tim sau bùng phát Covid-19 chiếm khoảng 19%

  • Tác giả : An Quý
Theo ThS.BSCKII Trần Thị Tuyết Lan, chuyên khoa Nội tim mạch, Viện Tim TPHCM, viêm cơ tim hậu Covid-19 có tỷ lệ 19%.

Covid-19 mạn tính hoặc hậu Covid-19, hay còn gọi là Covid-19 “kéo dài”: các bất thường và triệu chứng tồn tại kéo dài sau 12 tuần kể từ đợt cấp mà không giải thích được bằng chẩn đoán khác.

bs-lan.jpg
Bệnh nhân gặp các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, mệt, ngất, hoa mắt, chóng mặt, khó thở… sau khi mắc Covid-19 cần đi khám

Nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe sau hồi phục Covid-19 gồm hô hấp, thần kinh, tim mạch, nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp…

Trong đó, theo BSCKII Tuyết Lan, nhiều bệnh nhân bị viêm cơ tim sau bùng phát Covid-19 không có tiền sử bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, với các triệu chứng viêm phổi khởi phát.

Siêu âm tim cho thấy bệnh nhân bị dãn lớn thất trái, phân suất tống máu thất trái giảm, rối loạn vận động cơ tim lan tỏa, và tăng áp phổi.

Theo BSCKII Trần Thị Tuyết Lan, SARS-CoV-2 trực tiếp làm tổn thương cơ tim. Bên cạnh đó, cơn bão cytokine và đáp ứng viêm khiến cơ tim bị tổn thương thứ phát.

Ngoài ra, bệnh nhân hậu Covid-19 có thể bị xơ hóa cơ tim từng vùng hoặc lan tỏa ở tim, ngay cả ở bệnh nhân không có triệu chứng tim mạch.

Các dấu hiệu xơ hóa lan tỏa có thể khiến bệnh nhân khó thở 6 tuần sau khởi phát triệu chứng Covid-19.

Xơ hóa mô kẽ cơ tim góp phần làm rối loạn chức năng thất trái dẫn đến suy tim.

Cơn bão cytokine và sự xâm nhập các tế bào miễn dịch vào cơ tim làm chuyển đổi tái cấu trúc, tạo mô sẹo xơ hóa.

Vì vậy, bệnh nhân gặp các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, mệt, ngất, hoa mắt, chóng mặt, khó thở… sau khi mắc Covid-19 cần đi khám để được thực hiện các khảo sát đánh giá biến chứng tim mạch và được điều trị thích hợp theo nguyên nhân

An Quý