KINH TẾ

Vì sao cổ phiếu Vietravel chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hằng tuần?

  • Tác giả : Minh Anh
Thông tin mới nhất,  từ hôm nay (13/9), mã cổ phiếu VTR sẽ bị hạn chế giao dịch, nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu vào phiên ngày thứ Sáu hàng tuần.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định hạn chế giao dịch trên hệ thống UPCoM với cổ phiếu VTR của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel.

HOSE cho biết nguyên nhân cổ phiếu này bị hạn chế giao dịch là vì Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo soát xét bán niên 2022, thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo soát xét bán niên 2022 - Ảnh internet

Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo báo cáo soát xét bán niên 2022 - Ảnh internet

Theo đó, gần 17,3 triệu cổ phiếu VTR sẽ chính thức bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9. Nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu vào phiên ngày thứ sáu hàng tuần trên sàn UPCoM.

Theo HNX, HNX sẽ có thông báo về việc cho phép cổ phiếu VTR được giao dịch trở lại bình thường sau khi công ty khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định tại quy chế đăng ký giao dịch.

Tại báo cáo tài chính bán niên 2022, doanh thu của Vietravel đạt mức 1.202 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, VTR ghi nhận lỗ hơn 114 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu của Vietravel ghi nhận âm 104 tỷ đồng, lỗ lũy kế khoảng 300 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 2.234 tỷ đồng - trong khi đó, các khoản nợ cũng lên đến gần 2.339 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9, giá cổ phiếu này giảm 3,55% xuống chỉ còn 27.400 đồng/cổ phiếu.

Được biết, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel đã hình thành và trải qua hơn 1/4 thế kỷ.
Dấu ấn "đậm nét" tạo sự bứt phá về thương hiệu phải kể đến việc Vietravel đã tham gia vào cuộc chơi lớn trong ngành hàng không vào năm cuối 2020 với thương hiệu Vietravel Airlines.
Thế nhưng, chỉ vừa ra mắt, đến cuối năm 2021, Vietravel đã bán 72,25 triệu cổ phần tại CTCP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Tỷ lệ sở hữu của Vietravel tại hãng hàng không này giảm từ 99,5% còn 43,92%. Đương nhiên, Vietravel Airlines không còn là công ty con mà chỉ là công ty liên kết của Vietravel.
Hành động này được giới tài chính đánh giá là tạo được "doanh thu đột biến" vì đã thanh lý công ty con và giúp doanh nghiệp (DN) có lãi, ngắt mạch thua lỗ 4 quý liền trước đó?!
Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 của Vietravel, tính đến ngày 30/6, công ty có vốn điều lệ gần 173 tỷ đồng, nhưng đang âm vốn chủ sở hữu gần 104,3 tỷ đồng.
Trước đó, Ông Nguyễn Quốc Kỳ từng chia sẻ với báo chí: Công ty giống như một chiếc xe đang chạy tốc độ cao bị thắng gấp, nó khựng lại và mọi thứ bị dồn toa.
Liệu việc bị âm vốn chủ sở hữu và lệnh hạn chế giao dịch có tiếp tục tác động xấu và khiến thương hiệu Vietravel bị "dồn toa", giảm uy tín trên thị trường?
Minh Anh