Đời sống

Vật nuôi cần xử lý thế nào để phòng, chống Covid-19?

  • Tác giả : An Quý
Cặp vợ chồng phải cách ly tại Trạm Y tế xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) do nhiễm Covid-19. 15 con chó theo về Cà Mau của họ đã bị tiêu hủy.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau vừa yêu cầu UBND huyện Trần Văn Thời rà soát, thông tin rõ ràng để giúp người dân hiểu rõ hơn về quyết định “tiêu hủy đàn chó”.

Tuy nhiên, để phòng, chống dịch Covid-19, việc xử lý các vật nuôi trong vùng dịch, ở các gia đình nhiễm Covid cần thực hiện như thế nào?

tieu-huy-cho-meo-ca-mau.jpg
Cặp vợ chồng phải cách ly tại Trạm Y tế xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) do nhiễm Covid-19. 15 con chó theo về Cà Mau của họ đã bị tiêu hủy. Ảnh minh họa

Trong “Chương trình chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà” được ban hành vào ngày 28/8/2021, Bộ Y tế khuyến cáo “có bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan sang động vật”, do đó, nếu trong gia đình có vật nuôi, người mắc Covid-19 không được tiếp xúc với vật nuôi.

Người cùng nhà cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn phải tiêu hủy vật nuôi ở những gia đình hay vùng có người nhiễm Covid-19.

Theo BS Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), loại virus gây bệnh Covid-19 trên con người và động vật khác nhau hoàn toàn.

“Human coronavirus, với 4 chủng virus cũ và 3 chủng mới, gây bệnh cho con người. Còn số lượng chủng virus animal coronavirus gây bệnh cho động vật nhiều hơn. Động vật càng hoang dã, nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn. Khi thực hiện một xét nghiệm ở thú cưng thấy dương tính với Covid-19, rất có thể do nhiễm animal coronavirus nào đó.” BS Trương Hữu Khanh cho biết.

cho-meo-va-covid-19.jpeg
"Khi thực hiện một xét nghiệm ở thú cưng thấy dương tính với Covid-19, rất có thể do nhiễm animal coronavirus nào đó.", BS Trương Hữu Khanh cho biết. Ảnh minh họa

Theo Cơ quan Quản lý Thực - Dược phẩm Mỹ (FDA), một số lượng nhỏ động vật trên thế giới được báo cáo là bị nhiễm virus gây ra Covid-19, chủ yếu là sau khi tiếp xúc gần với một người mắc Covid-19. Những nghiên cứu này thường có quy mô nhỏ, không cho thấy liệu động vật có nguy cơ truyền bệnh ngược lại cho con người hay không.

Do đó, cơ quan y tế Mỹ khuyến cáo, nếu bạn mắc Covid-19 nên tránh tiếp xúc với thú nuôi của mình, bao gồm vuốt ve, ôm nựng, để cho hôn hoặc liếm và chia sẻ thức ăn hoặc nằm chung giường.

FDA hướng dẫn, nếu bạn phải chăm sóc thú cưng hoặc ở gần động vật khi bị bệnh, hãy rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với thú cưng, và mang khẩu trang.

thu-cung.jpg
Khi ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó, mèo, người nhiễm Covid-19 có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi. Ảnh minh họa

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Hội Thú y Mỹ (AVMA), Hội Thú y Anh quốc (BVA), Hội Thú y thú nhỏ Thế giới (WSAVA) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đều khẳng định "Chưa có bằng chứng đáng kể và đầy đủ cho thấy thú cưng và các động vật nuôi phổ biến có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 sang người và trở thành mối đe dọa đối với con người."

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó, mèo, người nhiễm Covid-19 có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi.

Chó mèo trở thành "vật mang virus" di động, tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo. Hoặc, lông chó, mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và tăng nguy cơ lây sang người khác.

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết, việc tiêu hủy đàn chó là do áp lực phòng chống dịch Covid-19 chứ không có ý gì khác. Việc nóng vội tiêu hủy đàn chó trong thời gian quá gấp là có sai sót, sẽ rút kinh nghiệm.

Huyện Trần Văn Thời trong thời gian qua đã đón trên 3.200 người hồi hương, trong đó có 25 F0. Việc xử lý đàn chó, mèo chưa có tiền lệ, nên địa phương rất lúng túng.

An Quý