Y học và đời sống

Vạch trần phòng khám Trung Quốc sai phạm

  • Tác giả : Quỳnh Hương
Hoạt động dưới phương thức “Y học cổ truyền”, “Phòng khám đa khoa”, chủ yếu điều trị bệnh nam khoa, phụ khoa, bệnh da liễu... nhiều phòng khám Trung Quốc liên tục sai phạm, coi thường luật pháp, trục lợi trên sức khoẻ, tính mạng khách hàng.

Thanh Tra sở Y tế TP HCM cho biết, TP có hơn 14.000 cơ sở y tế tư nhân, trong đó 250 phòng khám đa khoa (PKĐK) và 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Hiện, chỉ nhóm phòng khám Trung Quốc liên tục bị bệnh nhân khiếu kiện.

Chuỗi phòng khám Trung Quốc sai phạm

Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, những sai phạm của các phòng khám này kéo dài nhiều năm qua, chỉ tính 5 năm gần đây, một trong số các phòng khám Trung Quốc xài chiêu trò “thay tên đổi họ” sau những lần bị đình chỉ hoạt động, nhằm che mắt cơ quan chức năng và người bệnh, tuy nhiên cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Trong số các phòng khám Trung Quốc sai phạm phải kể đến PKĐK Hồng Phong, Hoàn Cầu, Thái Bình Dương, Quốc Tế, Thăng Long, Hồng Cường... liên tục bị người dân phản ánh về việc “vẽ bệnh moi tiền khách hàng”.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, PKĐK Hồng Phong (160-162 Lê Hồng Phong, P.3, Q.5, TP HCM) đã nhiều lần bị xử phạt. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, phòng khám này bị tước giấy phép hoạt động 2 lần. Mới đây nhất, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã quyết định đình chỉ hoạt động 2 năm đối với cơ sở này, do có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động khám chữa bệnh.

PKĐK Hồng Phong đang bị đình chỉ hoạt động 2 năm vì nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

PKĐK Hồng Phong đang bị đình chỉ hoạt động 2 năm vì nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Với PKĐK Thái Bình Dương (địa chỉ 34 - 36 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, TP HCM) từng bị phạt 343 triệu đồng lỗi vi phạm 9 hành vi. Ngoài bị phạt tiền, PK Thái Bình Dương còn bị UBND TP HCM tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 6 tháng, buộc xóa gỡ quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.

Nhưng ngay sau khi hoạt động trở lại, PK Thái Bình Dương tiếp tục sai phạm, Sở Y tế TP HCM đã phạt PK này tổng cộng hơn 142 triệu đồng.

Không ngoại lệ, PKĐK Hoàn Cầu (Quận 5), Thăng Long (Quận 10), Hồng Cường (Quận 10)... cũng đều bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm “vẽ bệnh, làm tiền” bệnh nhân, lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật; chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì vụ lợi...

Doạ ung thư, vô sinh... để “moi tiền” khách hàng

Thấy vùng kín xuất hiện nhiều khí hư, huyết trắng, chị T.T.T (45 tuổi) đến một phòng khám trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 để khám. Tại đây, chị T. được chẩn đoán lộ tuyến tử cung, nếu không điều trị sẽ vô sinh. Chị T. được điều trị đốt lộ tuyến, uống và truyền thuốc.

PKĐK Thái Bình Dương liên tục sai phạm vẽ bệnh làm tiền bệnh nhân.

PKĐK Thái Bình Dương liên tục sai phạm vẽ bệnh làm tiền bệnh nhân.

Tuy nhiên, sau 2 tuần, tình trạng bệnh không giảm trong khi chi phí đã hơn 16 triệu đồng. Chị T. đến bệnh viện khám lại thì mới biết bệnh của mình không nghiêm trọng đến mức phải cắt, đốt.

Trường hợp chị Đ.T.Tr (Ngụ Bình Thạnh) từng bị ép ký gói gây tê ngay trên bàn tiểu phẫu. Đến thực hiện dịch vụ thu gọn vùng kín tại PK Hồng Phong (Q.5), khi lên bàn tiểu phẫu chị Tr. bị “mổ sống” để ép ký sử dụng gói gây tê 12.800.000đ thay vì gói 4 triệu như trước khi lên bàn tiểu phẫu.

Quá bức xúc, chị đã làm đơn phản ánh gửi đến Thanh tra Sở Y tế TP HCM và cơ quan báo chí, phòng khám Hồng Phong đã đền bù tổn hao sức khoẻ, tinh thần cho chị Tr. 100 triệu đồng.

Cũng với chiêu thức "vẽ bệnh" như trên, ông L.Q.K (54 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) phải chi trả hơn 22,5 triệu đồng để điều trị chứng tiểu đêm vì bị dọa là sẽ bị ung thư, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.

BS đang chăm sóc bệnh nhân N.T.T. (35 tuổi) phá thai 14 tuần tại một phòng khám tư ở Hải Dương, bị vỡ tử cung - Ảnh: BVCC.

BS đang chăm sóc bệnh nhân N.T.T. (35 tuổi) phá thai 14 tuần tại một phòng khám tư ở Hải Dương, bị vỡ tử cung - Ảnh: BVCC.

Đừng đánh cược tính mạng vào những phòng khám “đen”!

Các phản ánh của bệnh nhân cho thấy "kịch bản" bị phòng khám Trung Quốc “bẫy” khá giống nhau?

Bệnh nhân được chẩn đoán từ bác sĩ là bệnh rất nặng, có thể diễn tiến thành ung thư, vô sinh... với các chi phí điều trị rất cao. Thực hiện xong thủ thuật điều trị bệnh này sẽ lại phát sinh các bệnh khác, bệnh nhân rời phòng khám có khi phải tốn chi phí 50-70 triệu đồng.

Theo Bác sĩ Lê Văn Đức, Trưởng khoa Sản -Phụ khoa, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc (Bình Dương), chị em bị viêm nhiễm phụ khoa, hoặc mắc các bệnh da liễu thì đừng ngại đến bệnh viện phụ sản, bệnh viện da liễu để điều trị. Ở bệnh viện chuyên khoa, bác sĩ có chuyên môn sẽ cân nhắc việc dùng thuốc tại chỗ hay dùng kháng sinh toàn thân, nó quyết định phần trăm khỏi bệnh.

Trường hợp chị em mang thai hơn 10 tuần tuổi, việc chấm dứt thai kỳ đều có thể nguy hiểm đến sức khoẻ sinh sản và tính mạng, nên đến bệnh viện chuyên khoa phụ sản thăm khám. Đừng đánh cược tính mạng của mình vào những phòng khám luôn trục lợi trên sức khoẻ người bệnh!

Trước đó, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM từng cho biết, Sở Y tế TP HCM đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó cần quy định bác sĩ người nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu như: qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh.

“Trước mắt, ngành y tế TP HCM sẽ thay đổi cung cách thanh tra, kiểm tra hoạt động của các phòng khám. Thay vì định kỳ, sẽ kiểm tra đột xuất đối với các phòng khám thường xuyên vi phạm và tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất", bác sĩ Thượng khẳng định./.

PKĐK Hồng Phong (Quận 5) cho người mạo danh bác sĩ Trưởng khoa sản Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), “phán bệnh” cho bà Đ.N.O. (40 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) “có mụn trong cổ tử cung, nếu không điều trị có thể vỡ gây ung thư”. Bà O. còn được chẩn đoán “có thai 24 tuần bị biến dạng ngoài tử cung do uống thuốc điều trị COVID-19”. Sau đó bà O. được đưa sang phòng khám Thăng Long (Q.10). Hơn 10 ngày điều trị ở các PK trên, chi trả viện phí vài chục triệu đồng, khi bà O. ngưng tim, co giật thì mới được chuyển vào bệnh viện. Bà O. tử vong sau 8 ngày điều trị tích cực.

Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội (km12 Ngọc Hồi, Thanh Trì) từng bị đình chỉ hoạt động vì khiến chị Trần Thị Thu T. (29 tuổi, trú tại Quảng Ninh) tử vong. Chị T. được bác sĩ Trung Quốc tên Trịnh Túc Vinh chỉ định điều trị viêm âm đạo bằng trị liệu máy rung. Trong khi thực hiện trị liệu máy rung để rửa âm đạo, chị T có biểu hiện khó thở, lên cơn co giật, sùi bọt mép và được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu và tử vong sau đó. Khi xảy ra tai biến trên, bác sĩ Trung Quốc đã bỏ trốn.

Quỳnh Hương