Giáo dục

Từ vụ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, có nên bỏ "chủ quản" các trường đại học?

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Từ việc cách chức Hiệu trưởng Trường Đại họcTôn Đức Thắng - ông Lê Vinh Danh, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về việc có nên bỏ chủ quản các trường đại học tự chủ hay không.

Đại biểu nêu ý kiến nên bỏ bộ chủ quản trường đại học

Trong phiên chất vấn các thành viên của Chính phủ (9/11), ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định việc xử lý kỷ luật Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đúng quy định.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Theo ông Hiểu, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có duy nhất Luật Viên chức và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật này có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn và các hình thức xử lý kỷ luật viên chức. Còn các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Giáo dục đại học không có quy định về vấn đề này.

Cụ thể, tại các điều từ 52 đến 56 của Luật Viên chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định về vấn đề này. Khoản 1 Điều 14 Nghị định 27 quy định về xử lý kỷ luật viên chức như sau: “Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật”.

Trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bổ nhiệm lại vào năm 2014; đến nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa thành lập được hội đồng trường theo Luật 34 vì lý do khách quan và chủ quan như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu.

Luật Giáo dục đại học tại điểm d, Khoản 2, Điều 16 quy định về thẩm quyền hội đồng trường: “Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học”.

Trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không bãi nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng mà tiến hành thủ tục kỷ luật do viên chức quản lý vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, trước đó đã bị tổ chức đảng xử lý kỷ luật.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hiệu trưởng Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội).

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hiệu trưởng Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội).

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) đặt câu hỏi: “Qua câu chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhiều ý kiến cử tri cho rằng nên bỏ Bộ chủ quản thì việc tự chủ đại học của nước ta mới có thể tiến tới thành công được như mong muốn..

Cần phải sửa luật

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến thời điểm này, chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước, vừa qua đã đạt được một số kết quả rất tốt nhưng còn rất nhiều việc phải làm, còn là một quá trình dài.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tuy nhiên, đã tự chủ thì luôn luôn phải gắn liền với trách nhiệm giải trình, mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện theo pháp luật và những quy chế công khai, toàn xã hội giám sát rất chi tiết.

Về việc có nên bỏ chủ quản của các trường Đại học hay không, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, với những nước có nền kinh tế chuyển đổi, trong đó có Việt Nam, khái niệm chủ sở hữu (chủ quản của đại học không đơn thuần chỉ thuộc một cơ quan, tổ chức nào mà của toàn xã hội).

Theo ông Đam, cơ quan quản lý của trường đại học tức là quản lý nhà nước và các mặt khác. Hiện nay, cơ quan quản lý trực tiếp của các trường chủ yếu chỉ quản lý về công tác cán bộ...

Xu thế là như vậy tuy nhiên còn phải sửa luật, phải chỉ đạo vì thực tiễn triển khai hiện vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, liên quan đến thu tiền học phí, các khoản tiền tài trợ và việc chi học phí vẫn phải thực hiện các thủ tục coi như ngân sách nhà nước, hay về công tác cán bộ thì có việc liên quan đến tuổi giữ chức vụ của cán bộ trường…

“Thậm chí, về quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT vẫn còn những câu chuyện như trường muốn mở mã ngành đào tạo mới thì có ràng buộc điều kiện về tỷ lệ giáo viên, tiến sĩ, giáo sư… Những việc này dần dần phải điều chỉnh”, Phó Thủ tướng lấy ví dụ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, giải pháp trước hết là tất cả các trường đại học tự chủ phải kiện toàn, thành lập mới Hội đồng trường. Thứ hai, tất cả các trường đều phải xây dựng một quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ rất chi tiết theo quy định pháp luật và công khai. Xu hướng là ủng hộ theo tự chủ.

Về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành cách chức Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần. Sau khi đoàn công tác làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng xong sẽ công khai kết quả để toàn dân biết.

Mai Loan