Thời sự

Từ vụ mẹ vô tình cán chết con nhỏ - cảnh báo "điểm mù" cực nguy hiểm

  • Tác giả : Lê Cường
Những điểm mù không thể ngờ tới trong quá trình lái xe có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn đau lòng như vụ việc mẹ cán chết con nhỏ vừa qua.
Vụ việc mẹ cán chết con nhỏ thương tâm.

Ngày 21/11, một vụ tai nạn giao thông đau lòng đã xảy ra trên địa bàn phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên khiến một cháu bé tử vong.

Theo thông tin về vụ việc, khoảng 9h sáng cùng ngày, người mẹ điều khiển ô tô chở theo con trai 4 tuổi ngồi ghế sau, dừng đỗ trước cửa hàng tạp hoá để mua đồ.

Khi lên xe, người mẹ không hề hay biết con trai đã mở cửa ra ngoài. Người mẹ nổ máy lăn bánh rời đi, trong khi đứa trẻ đứng bên ngoài, đu bám cánh cửa gọi với mẹ ở bên trong. Hậu quả, cháu nhỏ tử vong tại chỗ.

me-can-con-tu-vong(1).jpg
Thấy mẹ lái xe rời đi, bé trai vội đuổi theo, vô tình chạy vào điểm mù của ô tô.

Sự việc đau lòng trên khiến nhiều người nghĩ tới "điểm mù" đối với  lái xe.

Vì sao lại gọi là điểm mù?

Điểm mù chính là khoảng không gian không nằm trong tầm nhìn hoặc không thể quan sát qua gương chiếu hậu hay nhìn trực tiếp. Điểm mù thường xuất hiện khi phương tiện lưu thông trên đường, lùi xe, chuyển làn hoặc quay đầu tại các ngã tư...

diem-mu.jpg
Tài xế cần xác định điểm mù trên xe ô tô (Ảnh: Honest)

Các vị trí điểm mù thường gặp là điểm mù gây ra bởi gương chiếu hậu, điểm mù phía trước xe, điểm mù phía sau xe. Những tài xế nhiều kinh nghiệm sử dụng ô tô cho biết, điểm mù trên xe ôtô thường tỉ lệ thuận với kích thước của xe. Ngoài ra, điểm mù còn hình thành từ các yếu tố khác như tầm vóc hoặc tư thế ngồi của người điều khiển.

Cách tránh rơi vào điểm mù

1. Điểm mù phía trước xe
Điểm mù phía trước xe thường xuất hiện ở những mẫu xe tải, xe bán tải do đặc điểm gầm cao khiến việc quan sát những vật thể ở gần đầu xe gặp khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, lái xe cần giảm tốc độ khi đi qua những khu vực đông dân cư như chợ, trường học,… và lắp thêm các công cụ hỗ trợ như camera quan sát, cảm biến, gương cầu. Trong tình huống gặp các phương tiện có kích thước lớn, lái xe đặc biệt chú ý giữ khoảng cách an toàn và cẩn trọng khi vượt.

2. Điểm mù phía sau xe

Phạm vi của điểm mù phía sau xe có thể kéo dài vài mét tính từ đuôi xe về phía sau. Điểm mù phía sau xe là nguyên nhân gây nên tai nạn khi lùi xe. Để khắc phục tình trạng này, lái xe nên trang bị cảm biến lùi và camera sau. Bên cạnh đó, khi lùi, tài xế chú ý luôn duy trì thói quen quan sát phía trước, phía sau và xung quanh xe.

3. Điểm mù trên gương chiếu hậu

Gương chiếu hậu giúp người lái quan sát bên ngoài. Nhiều trường hợp những chiếc xe phía sau không lọt vào không gian bao quát của gương chiếu hậu.
Để khắc phục điểm mù này, tài xế hãy di chuyển với tốc độ chậm để có thể quan sát bằng mắt thường hai bên và phía sau xe (dưới 3s) khi thực hiện thao tác chuyển làn, quay đầu hoặc sang đường. Ngoài ra, chủ xe có thể lắp thêm gương cầu nhỏ ở góc trái gương chiếu hậu để quan sát tốt hơn.
4. Điểm mù trên cột trước (Điểm mù cột chữ A)

Cột chữ A ở hai bên khung kính chắn gió thường sinh ra điểm mù tuỳ thuộc vào góc đánh lái.
Cách khắc phục: Tài xế cần cần nghiêng đầu để có góc quan sát tốt nhất. Khi lái xe lên đèo, núi, những góc cua tay áo không có gương cầu cảnh báo bên đường, người lái nên bấm còi hoặc nháy đèn để phát tín hiệu cảnh báo khi vào cua.
Ngoài những điểm mù nêu trên, một số yếu tố khác cũng làm phát sinh điểm mù như: người lái ngồi sai tư thế, gương chiếu hậu điều chỉnh không phù hợp với các vị trí lái... Do đó, tài xế cần xây dựng thói quen kiểm tra ghế lái, gương chiếu hậu trước khi khởi động xe, đảm bảo tầm quan sát tốt nhất.

diem-mu-2.png
Các phụ huynh luôn quan sát, đặc biệt khi có trẻ nhỏ khi lên xe nổ máy, tránh những tai nạn đáng tiếc.

Quan trọng nhất là luôn quan sát con

Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, điều quan trọng nhất là phụ huynh hãy luôn quan sát con, luôn để con trong tầm mắt, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Phụ huynh không nên để con một mình khi trên xe, đặc biệt khi xe còn nổ máy, dù chỉ vào mua hàng trong phút chốc, đề phòng những tai nạn bất ngờ, do trẻ nghịch ngợm hoặc có khi con bị bắt cóc.

Mỗi khi nổ máy, di chuyển xe, hãy luôn quan sát kỹ phía sau xe, gầm xe, bởi có nhiều trường hợp, trẻ nhỏ nô đùa, trốn dưới bánh xe.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên nhắc nhở, dặn dò con về những kỹ năng tránh nguy hiểm khi ở gần xe ô tô, tránh những điểm mù của xe, đề phòng tai nạn đáng tiếc.

Lê Cường