Trong nước

Từ vụ mang xăng đốt nhà mẹ: Quy định quyền thừa kế thế nào?

  • Tác giả : Gia Đạt
Theo luật sư, các con chỉ có quyền đối với tài sản của cha mẹ nếu như cha mẹ qua đời mà tài sản vẫn chưa được định đoạt cho người khác.
Ngày 4/11, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) vụ con gái mang xăng đến phóng hỏa nhà mẹ.
Theo cơ quan Công an, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), sáng 30/10, 3 con gái của bà Vũ Thị Đều (SN 1961) gồm: Đỗ Thị Định (SN 1982); Đỗ Thị Điểm (SN 1988, đều trú huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và Đỗ Thị Đưa (SN 1990, ở Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mang theo 1 can xăng loại 10 lít đến nhà bà Vũ Thị Đều, đổ xăng xuống nền nhà rồi châm lửa đốt. Hậu quả, bà Đều và 3 con gái đều bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50.000.000 đồng.
Tu vu mang xang dot nha me: Quyen thua ke duoc quy dinh ra sao?
Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống đằng sau vụ việc con gái mua xăng về phóng hoả đốt nhà mẹ vì phân chia tài sản không đều gây chấn động dư luận những ngày qua, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc rất đau lòng. Dưới góc độ pháp lý, quyền sử dụng đất có thể là tài sản riêng của cá nhân, tài sản chung của hai vợ chồng hoặc tài sản chung của hộ gia đình. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình với nhau, cần xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đó như thế nào để xác định thửa đất đó là tài sản của cá nhân, của hai vợ chồng hay là tài sản chung của hộ gia đình.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Tài sản có được do được tặng cho chung, thừa kế chung là tài sản chung vợ chồng, tài sản có nguồn gốc là tài sản riêng nhưng được nhập vào thành tài sản chung thì cũng là tài sản chung vợ chồng. Đối với tài sản chung vợ chồng thì vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản.
Tu vu mang xang dot nha me: Quyen thua ke duoc quy dinh ra sao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Khi hai vợ chồng còn sống thì các con không có quyền đòi phân chia tài sản chung vợ chồng bởi theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu tài sản (cha mẹ) mới có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản. Các con chỉ có quyền đối với tài sản của cha mẹ nếu như cha mẹ qua đời mà tài sản vẫn chưa được định đoạt cho người khác. Những người con có thể được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đối với di sản do cha mẹ để lại.
Trong trường hợp cha, mẹ có tài sản chung nhưng khi sinh sống đã tặng cho, chuyển nhượng hết cho người khác, đến lúc chết không còn tài sản (di sản) nữa thì các con cũng không còn quyền thừa kế. Trường hợp cha mẹ có di chúc là sau khi chết, tài sản thuộc về các con theo di chúc hoặc không có di chúc thì các con sẽ được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình, các con là các thành viên của hộ gia đình thì cũng có quyền yêu cầu chia tài sản chung của hộ gia đình. Theo quy định của pháp luật thì quyền sử dụng đất là tài sản chung hợp nhất có thể phân chia. Bởi vậy nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì hai vợ chồng có quyền chia khối tài sản này.

Mời quý độc giả xem video: Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ về quyền thừa kế được quy định ra sao?

Trong vụ việc tranh chấp về quyền sử dụng đất ở Hưng Yên dẫn đến những đứa con đổ xăng đốt nhà thì cần phải làm rõ quyền sử dụng đất tranh chấp là tài sản chung của hộ gia đình hay là tài sản chung của bố mẹ những người đó. Căn cứ để xác định tài sản của ai sẽ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất hoặc các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Thông thường đất nông nghiệp sẽ là tài sản chung của hộ gia đình còn nếu là đất thổ cư thì chỉ là tài sản chung của hộ gia đình nếu có quyết định giao đất cho hộ gia đình hoặc gia đình cùng khai hoang, sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận cho cả hộ. Còn nếu đất do hai vợ chồng tạo lập, nhận chuyển nhượng, được tặng cho, được thừa kế thì sẽ là tài sản chung của hai vợ chồng. Nếu các thửa đất đó là tài sản chung của bố mẹ thì các con không có quyền yêu cầu chia đối với tài sản này. Trường hợp ông bố đã chết mà không để lại di chúc thì khi đó các con mới có quyền yêu cầu chia thừa kế theo quy định pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì con trai, con gái, con nuôi, con đẻ đều có quyền thừa kế theo pháp luật như nhau tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Luật sư Đặng Văn Cường cũng nhấn mạnh, pháp luật nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, tài sản, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác khi có tranh chấp mâu thuẫn về tài sản. Trong vụ việc này nếu có tranh chấp về thừa kế hoặc tranh chấp về tài sản chung của hộ gia đình mà các đương sự không thể giải quyết được, UBND cấp xã đã hòa giải nhưng không thành thì chỉ có một cách hợp pháp và duy nhất là một trong các bên khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trường hợp những người con giải quyết bằng vũ lực, sử dụng xăng để đốt nhà nhằm gây áp lực hoặc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người khác trong gia đình thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về tội giết người quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư, để giảm thiểu những vụ án mạng từ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình thì cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân.
Đặc biệt, cần phải đề cao giáo dục đạo đức để những chuẩn mực đạo đức chi phối mối quan hệ trong gia đình, để con cái tôn trọng cha mẹ, anh em quý mến lẫn nhau... Khi những mâu thuẫn tranh chấp phát sinh thì cần phải được giải quyết có tình có lý, đúng pháp luật. Trước tiên cần có những người có uy tín trong gia đình, trong cộng đồng để phân tích hóa giải làm cho tranh chấp không phát sinh nghiêm trọng và sớm được giải quyết.
Trong trường hợp gia đình, họ hàng không thể giải quyết được thì có thể gửi đơn đến UBND cấp xã phường để được hoà giải theo thủ tục hòa giải cơ sở. Trường hợp hòa giải vẫn không thành thì chính quyền địa phương cần giải thích, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đương sự gửi đơn đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Khi nhận được hồ sơ khởi kiện thì tòa án cũng phải tạo điều kiện để thụ lý hồ sơ, phải xem xét giải quyết và hòa giải khuyên can các bên, tránh để những mâu thuẫn xung đột trở nên trầm trọng hơn.

>>> Mời độc giả xem thêm video Tranh chấp đất đai và ý thức chấp hành pháp luật (Nguồn: THĐT)

Gia Đạt