Năm 2023, Báo Khoa học và Đời sống bước sang tuổi 65, đang không ngừng khẳng định tên tuổi của mình trong làng báo, cũng như đứng vững vị trí tờ báo hàng đầu về khoa học trong lòng công chúng.
Miệt mài phục vụ bạn đọc
Nhiều bạn đọc nhận xét, hiện nay, báo điện tử cùng sự phát triển của Internet đã đưa thông tin một cách nhanh chóng, nhưng báo in vẫn có sức lôi cuốn và hấp dẫn riêng. Khoa học và Đời sống là một tờ báo như vậy.
Từ những ngày đầu ra mắt đến nay, chất khoa học vẫn được Khoa học và Đời sống phát huy. Thông tin phổ biến kiến thức áp dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày giúp tăng năng suất lao động, giảm bớt nặng nhọc, tới việc tập luyện, ăn uống... nâng cao thể chất, sức khỏe đều được Báo đề cập với mục tiêu phục vụ công chúng, hướng bạn đọc tới những điều tốt đẹp nhất.
![]() |
Lễ trao giải cuộc thi BQSK được KH&ĐS tổ chức năm 2018. |
![]() |
Khoa học và Đời sống còn là cầu nối giữa bạn đọc với các chuyên gia đầu ngành về khoa học, y bác sĩ, luật sư, thầy, cô giáo trong mọi lĩnh vực đời sống. Khi độc giả cần được giải đáp, Khoa học và Đời sống luôn sẵn sàng hỗ trợ. Vì vậy, tờ báo luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc.
Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, báo giấy phải làm thế nào theo kịp sự hiện đại của các phương tiện thông tin là câu hỏi khiến Ban biên tập trăn trở. Một sáng kiến nâng tầm Khoa học và Đời sống xuất hiện đã đưa tờ báo sánh vai với các ấn phẩm điện tử.
Mỗi bài báo đăng trên báo giấy đều được gắn link trên nền tảng trang tin điện tử tổng hợp khoahocdoisong.vn, cùng mã QR code để bạn đọc có thể đọc báo giấy ngay trên điện thoại của mình. Ngoài ra, toàn bộ 24 trang báo của mỗi số phát hành đều được đưa lên hệ sinh thái của Báo Tri thức và Cuộc sống khiến tờ báo thêm sức lan tỏa mạnh mẽ.
Với truyền thống 65 năm, Khoa học và Đời sống không ngừng miệt mài phục vụ bạn đọc, lấy phương châm bạn đọc là số 1, xem đó là kim chỉ nam trong hoạt động. Hy vọng trong thời gian tới, tờ báo tiếp tục nhận được sự yêu mến, đồng hành của bạn đọc để không ngừng phát triển, có thêm nhiều sáng kiến đổi mới phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
![]() |
![]() |
Ấn tượng với công nghệ đưa báo in lan tỏa trên không gian mạng
Ông Nguyễn Quốc Công, cán bộ quân đội nghỉ hưu (phố Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội) cho biết, là bạn đọc thường xuyên của Khoa học và Đời sống, ông rất ấn tượng với sự phát triển của tờ báo, nhất là việc gắn công nghệ đưa báo giấy lên nền tảng điện tử. Điều này giúp việc đọc báo thuận lợi hơn, chỉ cần cầm điện thoại thông minh lên quét mã QR code có trên trang nhất là có thể xem toàn bộ số báo giấy vừa phát hành. Ông rất thích thú, đã chia sẻ cùng vợ và những người bạn của mình trong tổ hưu trí.
“Tôi thực sự ấn tượng và vui mừng vì có thể đọc báo mình yêu thích trên nền tảng điện tử. Có nghĩa là ở bất cứ đâu có mạng Internet, tôi cũng có thể đọc được. Hy vọng tờ báo ngày càng phát triển và có nhiều sáng tạo, đổi mới để thông tin đến được với bạn đọc nhanh và hiệu quả”, ông Công chia sẻ.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Công. |
Ngoài những chuyên trang, chuyên mục đã được cải tiến, thay đổi để phù hợp thời cuộc, ông Công cho rằng, tờ báo nên duy trì những chuyên mục cũ như Tìm hiểu lịch sử, Tuổi gặt hái, Hỏi nhanh đáp gọn, Mẹo vặt, Y tế sức khỏe… cung cấp thông tin để bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng vào cuộc sống. Nên hạn chế thông tin về thị trường, du lịch mạo hiểm, sự vụ của doanh nghiệp…
Về mặt trình bày, ông Công nhận xét, tờ báo khá dày dặn, giấy đẹp, trình bày bắt mắt, tuy nhiên cỡ chữ hơi nhỏ, trong khi trình bày có lúc rất thưa, hơi phí “đất”.
Ông Lê An Khánh (Thụy Khuê, Hà Nội): “Hiện nay, cùng báo giấy Khoa học và Đời sống, phiên bản online mang đến cho bạn đọc thông tin nhanh, bổ ích. Nhiều bạn đọc nhận xét, Báo đã bắt kịp nhịp sống sôi động của báo chí hiện đại. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Khoa học và Đời sống, tôi kính chúc quý Báo ngày càng phát triển toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc”.
Phát huy phương châm khoa học phục vụ đời sống
Ông Nguyễn Quang Khánh (106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho hay, ông biết và đọc Khoa học và Đời sống từ những năm 1980. Ngày đó, có những bài hay, thiết thực với cuộc sống, ông cắt ra lưu lại, như về món ăn bài thuốc, xoa bóp bấm huyệt...
Theo ông, khác với báo điện tử là thông tin nhanh, thoáng qua mà khó lưu trữ, báo giấy Khoa học và Đời sống vẫn gây ấn tượng với bạn đọc bởi thông tin chắc chắn, tin cậy có thể đánh dấu và lưu lại như tư liệu, khi cần có thể tra cứu rất nhanh.
Tuy nhiên, ông cho rằng, Báo phát hành 1 kỳ/tuần là quá ít, thông tin chưa sâu, nhiều bài mới dừng lại ở phản ánh thông tin thời sự mà ít thông tin khoa học, phục vụ đời sống. Một số trang chưa thiết thực với đối tượng độc giả. Hơn nữa, Báo cũng còn nhiều trang quảng cáo, giá bán hơi cao so với mặt bằng chung.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Khánh. |
Để tờ báo gần gũi hơn với bạn đọc, ông Khánh góp ý, nên có nhiều ý kiến chuyên gia phân tích thông tin để bài viết sâu sắc hơn. Càng cụ thể, rõ ràng, thông tin càng thiết thực.
Ví dụ lĩnh vực dinh dưỡng, y tế, bạn đọc muốn đọc những bài viết về cách ăn uống như thế nào, ăn hoa quả tốt, nhưng hoa quả nhiều đường thì không tốt ra sao, ăn những thực phẩm nào gây mỡ máu, tiểu đường, tim mạch, ung thư... Những món ăn bài thuốc đơn giản dễ làm hỗ trợ chữa trị bệnh đơn giản. Thông tin mà chung chung thì không thiết thực với bạn đọc.
Hiện nay, mạng xã hội như Facebook, YouTube có những video hướng dẫn rất cụ thể về các mẹo nhỏ trong cuộc sống như sửa chữa quạt tự nhiên không mát, điều hòa chảy nước... rất hữu ích, xem là làm theo được ngay. Dĩ nhiên, đó là những kỹ thuật đơn giản, nếu báo có thể thực hiện được một cách cụ thể như vậy, tin rằng sẽ được bạn đọc đón nhận tích cực hơn.
Ông Phạm Ngọc Châu (Điện Biên Phủ, TP Hải Dương): “Là người đọc không bỏ sót số báo Khoa học và Đời sống nào từ năm 1971 đến nay, tôi có cả một căn phòng dành để lưu trữ Báo. Với tôi, Khoa học và Đời sống luôn có chỗ đứng trong tâm hồn và tình yêu đặc biệt. Nhớ các cuộc thi của Báo tổ chức hằng năm, năm 2014, tôi được giải Nhất; năm 2016 đoạt giải đặc biệt; năm 2018 giành giải vàng; năm 2020 dịp kỷ niệm 60 năm, tôi được trao giải Nhân vật, mặc dù không tham gia thi. Những giải thưởng đó chính là niềm khích lệ lớn lao, đến khi nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng thấy rất vui vì điều này”.
Cần nhiều hoạt động giao lưu với bạn đọc
Bà Dương Thúy Loan (Tập thể Hồ Quỳnh, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, bà nhớ 5 - 10 năm trở về trước, bà được mời đi giao lưu cùng Khoa học và Đời sống về các cuộc thi sống khỏe, lúc trong CLB xe đạp, khi ở CLB khí công dưỡng sinh, kinh lạc thao... Thông qua những hoạt động này, bà biết đến Khoa học và Đời sống nhiều hơn.
![]() |
Bà Dương Thúy Loan. |
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Khoa học và Đời sống có ít hoạt động giao lưu với bạn đọc nên bà cảm thấy hụt hẫng. Những người cao tuổi như bà chỉ mong muốn được đọc bài viết liên quan chăm sóc sức khỏe, kinh nghiệm giúp khỏe mạnh, cải thiện bệnh tật. Cũng nhờ sự giao lưu với bạn đọc gần xa mà có thể lan tỏa nhiều bí quyết sống vui, sống thọ, điều này rất hữu ích đối với người cao tuổi.
“Tôi rất mong trong thời gian tới, Khoa học và Đời sống sẽ tổ chức các cuộc thi tiếp nối về bí quyết sống khỏe để chúng tôi có cơ hội tham gia. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mà còn tìm kiếm các nhân vật xung quanh sống vui, sống khỏe, cùng lan tỏa, tạo động lực để tuổi cao sống có ích cho gia đình và cộng đồng”, bà Loan nói.