Trong nước

Trưởng công an phường đòi đánh người dân… bị xử lý thế nào?

  • Tác giả : Tâm Đức
Hành vi của Trung tá Nguyễn Thành Nam không chỉ thiếu văn hóa ứng xử nơi công cộng mà còn không thực hiện đúng 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề, 10 điều kỷ luật CAND…
Trung tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng Công an phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) mới đây bị tạm đình chỉ công tác để thực hiện quy trình xem xét, kỷ luật. Thường trực Thành ủy Hạ Long cũng đã yêu cầu Đảng ủy phường Bãi Cháy khẩn trương tiến hành xác minh, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên và đề xuất xử lý theo quy định.
Ông Nam là nhân vật trong clip được đăng tải lên mạng xã hội có biểu hiện say rượu, hành vi thiếu chuẩn mực, liên tục chửi bới, giằng co, xưng trưởng công an phường, thậm chí đòi bắt người.
Truong cong an phuong doi danh nguoi dan…bi xu ly the nao?

Người đàn ông mặc áo trắng (khoanh đỏ) trong clip được xác định là Trưởng Công an phường Bãi Cháy. Ảnh cắt trong clip

Xác minh ban đầu của Công an TP Hạ Long, khoảng 21h30 tối 17/5, tại đường Hạ Long (phường Bãi Cháy) xảy ra vụ va chạm giao thông giữa ô tô BKS 14A - 707.87 với ô tô BKS 14A - 506.98 khiến 2 ô tô bị hư hỏng nhẹ. Kết quả xác minh cho thấy, người điều khiển ô tô BKS 14A - 506.98 là người đàn ông mặc quần đen, áo trắng, có hành vi thiếu chuẩn mực trong clip đúng là Trưởng Công an phường Bãi Cháy.
Hành vi thiếu chuẩn mực của Trung tá Nguyễn Thành Nam khiến dư luận bức xúc. Bởi hành vi này không chỉ thiếu văn hóa ứng xử nơi công cộng mà còn không thực hiện đúng 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề, 10 điều kỷ luật CAND…Thậm chí, một số ý kiến đề nghị xử lý nghiêm theo quy định.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội khi nêu ý kiến về hành vi của vị trung tá công an trên cho rằng, hình ảnh video cho thấy, cán bộ công an này đã có hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức xã hội, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.
Với hành vi trên, vị Trưởng công an phường sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của ngành công an. Ngoài hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ ngành công an vi phạm kỷ luật thì hành vi gây mất an ninh trật tự mà chưa đến mức nghiêm trọng, chưa được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức xử phạt có thể tới 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, biểu hiện hành vi và lời nói của người này khiến nhiều người nghi ngờ cán bộ công an này đã điều khiển phương tiện trong tình trạng có nồng độ cồn. Do đó, quá trình xác minh sự việc này nếu cơ quan chức năng xác định người này vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
“Để có căn cứ xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm giao thông đường bộ, cơ quan chức năng cần làm rõ thái độ ứng xử, diễn biến hành vi, đồng thời đánh giá kết quả đã gây ra đối với xã hội. Đối với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, cơ quan chức năng cần phải kiểm tra nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, phải có kết quả đo theo đúng thủ tục mới có căn cứ để xử lý vi phạm hành chính về nồng độ cồn.”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng, hình ảnh qua clip mới chỉ thể hiện một phần sự việc, chưa rõ nguyên nhân cũng như chưa đánh giá được hậu quả đã gây ra đối với xã hội, đối với những tổ chức, cá nhân khác.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên có liên quan và xác định trách nhiệm pháp lý của từng bên theo nguyên tắc: Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vi phạm đến đâu phải xử lý đến đó trong đó có liên quan đến xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây mất an ninh trật tự và vi phạm giao thông đường bộ.

>>> Mời độc giả xem thêm video Bạc Liêu: Say xỉn còn chống đối Cảnh sát giao thông

Nguồn: THĐT

Tâm Đức