Địa ốc

Trung Quốc muốn đánh thuế bất động sản, Việt Nam thì sao?

  • Tác giả : Trà My
Trung Quốc thông báo thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực.

Bài học từ Trung Quốc

Theo đó, các quan chức Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế của Trung Quốc sẽ soạn thảo các biện pháp để áp dụng thí điểm thuế bất động sản tại một số khu vực.

Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là một trong những thay đổi có tính cách mạng với chính sách bất động sản của Trung Quốc.

Việc đánh thuế được kỳ vọng có thể giúp kìm hãm hoặc hạ giá nhà ở vốn đã tăng hơn 2.000% kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách tư nhân hóa thị trường này từ những năm 1990.

Cùng với đó là để ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản. Nhất là khi công ty Evergrande – doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc - gặp rắc rối trong việc trả nợ.

Thí điểm này sẽ dài 5 năm. Thuế áp dụng với bất động sản nhà ở và không phải nhà ở, cũng như đất đai và chủ sở hữu của nó. Nhưng không áp dụng với đất nông nghiệp thuộc sở hữu hợp pháp và công trình xây dựng trên đó.

Trước đây, Trung Quốc đã thực hiện thử nghiệm đánh thuế bất động sản ở Thượng Hải và Trùng Khánh. Nhất là đánh thuế ở những các khu dân cư tư nhân cao cấp. Tuy nhiên, kết quả nhận được nhiều phản đối nên không thành công.

Cảnh tỉnh cho Việt Nam

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang có khá nhiều đặc trưng giống với thị trường Trung Quốc, đặc biệt về thực tế tăng giá, bong bóng, cho vay,... 

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giá nhà tại trung tâm TP. HCM tăng 21 lần chỉ sau 16 năm. Riêng trong giai đoạn 2018 - 2020, giá bất động sản khu vực quanh TP. HCM và Hà Nội luôn có mức tăng trên 10%.

Trong khi, theo dữ liệu của Numbeo - trang web chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới - TP. HCM dần trở thành một trong những thành phố có giá bất động sản đắt đỏ nhất khu vực châu Á, vượt cả Mỹ hay Châu Âu.

Điều đáng nói, nếu xét về chỉ số khả năng chi trả (affordability index) của Numbeo, TP. HCM xếp thứ 469 trong tổng số 487 thành phố của bảng xếp hạng, ở mức 0,33.

Với mức thu nhập bình quân như hiện nay, người lao động phải mất 20 -25 năm mới mua được nhà ở Hà Nội và TP. HCM.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt có mô hình tài chính kinh doanh mạo hiểm giống Evergrande của Trung Quốc. Cụ thể huy động vốn qua kênh trái phiếu quá nhiều trong khi thị trường trái phiếu chưa trưởng thành, chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng. Thông tin tới nhà đầu tư chưa minh bạch, rõ ràng, từ đó tạo nhiều rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thường xuyên cảnh báo về những tiềm ẩn rủi ro và cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, thực tế là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hiện vẫn tăng cao và đang là trào lưu của các doanh nghiệp.

Thực tế này dẫn tới hai nghi ngờ. Có thể quy định trái phiếu là phù hợp đã kích thích sự phát triển thị trường trái phiếu.

Hoặc ngược lại, quy định quản lý thị trường trái phiếu được thiết kế theo lobby của ngân hàng, doanh nghiệp. Hay vẫn có kẽ hở khiến tiềm ẩn những rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp. 

Mặt khác, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lớn, lãi suất quá cao khiến giá bất động sản ngày càng bị đẩy tăng cao.

Trong khi ngân hàng và doanh nghiệp thu lợi lớn, thì thu nhập của đa số công chúng ngày càng xa rời khả năng tiếp cận nhà ở.

Nói cách khác, không cần chờ tới Trung Quốc tổng kết chính sách, mà các cơ quan quản lý Việt Nam liệu có tìm kiếm và sử dụng thuế như một công cụ giúp hạ nhiệt giá sản phẩm bất động sản ?

Trà My