Chữa bệnh không dùng thuốc

Trẻ 2 tháng tuổi tử vong do sặc sữa, cha mẹ cần lưu ý gì?

  • Tác giả : Thu Giang
Theo các bác sĩ sặc sữa là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi.
Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ngày 9/3, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bé chào đời lúc 32 tuần thai, cân nặng 1,1 kg. Từ lúc sinh đến hai tháng tuổi, bé được bác sĩ kiểm tra sức khỏe bình thường, tăng cân phù hợp lứa tuổi.

Người nhà cho biết hôm xảy ra sự việc, bé bú bình hai lần vào đầu buổi sáng nhưng bú ít, trớ, quấy khóc, bụng chướng. Khoảng 9h, người nhà phát hiện bé tím tái, kích thích không phản xạ, đưa vào khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa, cho biết trẻ được cấp cứu theo phác đồ ngừng tuần hoàn (ngưng tim, ngưng thở). Khi đặt nội khí quản, bác sĩ phát hiện sữa đọng trong khoang miệng của bé nhưng không có trong đường thở. Hình ảnh X-quang phổi cho thấy tổn thương nhu mô phổi bên phải lan tỏa. Dịch dạ dày có nhiều sữa chưa được tiêu hóa. Bác sĩ chẩn đoán trẻ tử vong nghi do ngạt sữa

Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, cháu bé đã không qua khỏi.

Theo bác sĩ Thanh Tâm, sặc sữa là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi. Đây là hiện tượng sữa trào vào đường thở khiến trẻ khó thở, tím tái có thể gây ngừng thở. Nếu không sơ cứu kịp thời có thể gây ảnh hưởng tính mạng cho trẻ.

Nguyên nhân sặc sữa ở trẻ

Bác sĩ Tâm cho biết, nguyên nhân trẻ sặc sữa bao gồm:trẻ bú, ăn không đúng tư thế; cho bú quá no .Cho trẻ bú khi đang khóc, đang ho. Sữa mẹ nhiều khiến trẻ nuốt không kịp .Núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều .Trẻ sinh non tháng nên phản xạ bú – nuốt kém. Trẻ bị dị tật bẩm sinh vùng hầu họng như sứt môi, hở hàm ếch…

Dấu hiệu nhận biết trẻ sặc sữa:

- Khi trẻ đang bú (hoặc sau bú) đột ngột ho sặc sụa, tím tái và lịm đi. Có thể thấy sữa trào qua mũi, miệng

- Đối với những trẻ đẻ non, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có dị tật vùng hàm mặt… phản xạ ho kém hơn.

Dấu hiệu sặc sữa ở những trẻ này diễn ra khá là yên tĩnh, chủ yếu là biểu hiện bằng triệu chứng tím tái, có thể thở nhanh, hoặc thở chậm, ngừng thở.

Các bác sĩ khuyến cáo cách phòng ngừa trẻ sặc sữa:

Những việc cha mẹ nên làm

- Khi cho trẻ bú, mẹ cần bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái.

- Nên cho trẻ ăn dưới ánh sáng để dễ dàng quan sát thấy được trẻ nuốt sau khi mút sữa và các hiện tượng tím (nếu có).

- Ngoài ra, nếu sữa mẹ tiết ra nhiều mà trẻ không bú kịp, mẹ có thể làm hãm tốc độ của dòng sữa bằng cách dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại.

- Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh không nên cho trẻ bú vội vàng.

- Với những trẻ bú bình, bố mẹ hãy chọn những bình sữa có núm vú phù hợp với lứa tuổi. Khi cho trẻ bú, cần nghiêng bình sữa góc 45 độ để sữa chảy xuống đầy lỗ núm vú. Trẻ sẽ không phải mút nhiều, không khí ít vào sẽ hạn chế xảy ra tình trạng sặc sữa.

- Sau khi bú xong: Nên bế trẻ nằm sấp trên vai hoặc ngực mẹ 15 - 20 phút, vỗ nhẹ lưng để trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày, tránh đầy hơi sẽ kích thích gây sặc.

- Cha mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ, đặc biệt là đối với trẻ nhẹ cân.

- Đối với các trẻ có các dị tật vùng hàm mặt nên đi khám sớm để điều trị kịp thời và có các dụng cụ hỗ trợ để giảm thiểu nguy cơ sặc.

- Cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất khi trẻ nhũ nhi bỏ bú.

Những việc không nên làm:

- Không nên cho trẻ bú sữa khi đang ngủ, đang khóc/cười hay đang ho.

- Không nên để gập cổ khiến trẻ bú khó khăn hơn hoặc ngửa cổ có thể khiến trẻ bị sặc sữa lên mũi.

- Không quấn tã, mặc quần áo chật, tránh làm tăng áp lực ổ bụng.

- Không nên ép trẻ ăn quá no.

Thu Giang