Dữ liệu y khoa

TPHCM đề xuất hỗ trợ nhân viên y tế cơ sở 4 - 6 triệu đồng/tháng

  • Tác giả : An Quý
TPHCM chỉ đạt tỷ lệ 2,31 nhân viên y tế trên một vạn dân, trong khi tỷ lệ này trên cả nước trung bình là 7.

Tuyến y tế cơ sở vốn đã có nhiều hạn chế, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, các hạn chế này càng bộc lộ rõ. Đặc biệt, trong năm 2021, khoảng gần 1000 nhân viên y tế, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở đã nộp đơn xin nghỉ.

huong-dan-dung-thuoc-tai-nha.jpg
Thu nhập thấp và kiệt sức sau nhiều tháng tham gia chống dịch là hai lý do chính khiến nhân viên y tế ở tuyến cơ sở xin nghỉ việc. Ảnh minh họa

Các đại biểu tại kỳ họp HĐND thành phố khóa X, sáng 8/12 đã chất vấn "làm sao củng cố y tế cơ sở"?

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thu nhập thấp và kiệt sức sau nhiều tháng tham gia chống dịch là hai lý do chính khiến nhân viên y tế, nhất là ở tuyến cơ sở, xin nghỉ việc.

Vì vậy, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ nhân viên y tế cơ sở, 4 - 6 triệu đồng/tháng. Từ năm 2015 đến nay, TPHCM hỗ trợ thu nhập cho nhân lực tuyến cơ sở còn thấp, dưới 1 triệu đồng/tháng.

Tiếp đó, Sở Y tế TPHCM kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng. Ứớc tính mỗi năm, 500 bác sĩ sẽ tăng cường xuống trạm y tế.

Thực hành tại trạm y tế, bác sĩ không phải đóng tiền, còn được thành phố hỗ trợ chi phí với mức 1,5 lần lương tối thiểu.

Cuối cùng, TPHCM sẽ tăng người cho trạm y tế. Hiện nay, mỗi trạm y tế có 5 -10 nhân viên. Tuy nhiên, nhiều phường xã trên địa bàn thành phố rất đông dân, có nơi khoảng 170.000 dân, 5 - 10 nhân viên y tế không đáp ứng nổi nhu cầu chăm sóc y tế cơ bản.

Vì vậy, theo Sở Y tế TPHCM, về lâu dài, Quốc hội nên điều chỉnh lại biên chế ở trạm y tế dựa trên quy mô dân số (tính theo một vạn dân) chứ không theo địa giới hành chính. Trước mắt, Sở Y tế TPHCM kiến nghị tăng trần biên chế trạm y tế từ 10 - 20 người.

TPHCM hiện có khoảng 85.000 F0. Trong đó, 66.500 F0 điều trị tại nhà, gần 5.300 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng 1), chiếm 84%.

Tính đến hiện tại, trên địa bàn thành phố có 310 trạm y tế cố định và 382 trạm y tế lưu động để hỗ trợ địa phương trong tiếp nhận, thu dung và điều trị F0; hỗ trợ địa phương trong tiếp nhận, thu dung và điều trị F0 kịp thời.

Các phường xã tại TPHCM cũng đang vận hành để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh trong khi nguồn nhân lực y tế còn hạn chế.

Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin, huyện hiện có hơn 6.700 F0 đang cách ly tại nhà. 16 trạm y tế xã, thị trấn với tổng số 131 người tham gia (15 BS, 18 y sĩ, 51 điều dưỡng…) đang quản lý số bệnh nhân này.

Tuy nhiên, Bình Chánh có 16 xã, thị trấn với 37 trạm y tế lưu động với lực lượng gồm 262 người. Sở Y tế TPHCM đã tăng cường 84 người tham gia hoạt động của các trạm lưu động, còn lại là nhân lực tại chỗ.

98 tổ chăm sóc với 466 thành viên, phối hợp trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động để thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho F0. Bình Chánh còn có 1.932 tổ “Covid tự quản” với 5.781 thành viên.

An Quý