Gia đình mới

Tìm chồng cho… con dâu

  • Tác giả : Lê Thị Kết
Bà Hạnh (Đông Anh, Hà Nội) sinh được mỗi một cậu con trai. Khi bé vừa qua tiệc thôi nôi chưa lâu thì chồng bà vội vã ra đi vì bạo bệnh.

Khước từ mọi lời tìm hiểu, bà ở vậy nuôi con lớn khôn. Khi con trai lấy vợ, những tưởng bà đã hoàn thành trách nhiệm của người mẹ, yên tâm hưởng hạnh phúc mới bên con cháu, nhưng không, con trai bà cũng xấu số trong một vụ tai nạn chỉ sau đám cưới 3 tháng. Con dâu chưa kịp có bầu khiến trái tim bà như bị bóp nghẹt. Bất hạnh cho mình bao nhiêu thì thương con dâu bấy nhiêu.

Thắt lòng khi con trai vắn số

Bà Hạnh kể, khi Tuấn lớn lên, vừa tốt nghiệp đại học và đi làm được vài năm, mọi người đều mừng bởi con trai bà có công việc tốt, lương lại cao, vì thế nó sẽ phụng dưỡng mẹ, coi như bù đắp những thiệt thòi mà bao năm tháng bà một thân một mình nuôi con lớn khôn.

Thế nhưng, dường như số phận cuộc đời luôn “bắt” bà Hạnh phải khổ sở, con trai bà vừa cưới vợ được 3 tháng, thì nỗi đau quá lớn ập tới, Tuấn bị tai nạn giao thông trong lúc từ nhà tới cơ quan làm việc. Tưởng sẽ không thể vượt qua được nỗi đau đớn, mất mát, nhưng bà cố gắng gượng vượt qua, bởi bà hi vọng Thủy - người con dâu của bà, có thể giữ lại giọt máu của đứa con trai vắn số.

Hi vọng mong manh của bà Hạnh khi Thủy có thể đã mang bầu, ngày một tiêu tan theo thời gian, bởi chính con dâu xác nhận “con chưa có gì!”.

Thủy là người con dâu ngoan hiền, từ ngày chồng mất cô luôn quan tâm, đối xử hết mực để mẹ chồng được vui mà cố quên đi nỗi buồn đau quá lớn. Nhiều lúc Thủy còn đưa bà Hạnh đi du lịch đây đó cho khuây khỏa… Ngược lại bà Hạnh cũng quý và thương con dâu như người con gái mình sinh ra. Không ít lần bà khuyên Thủy đi lấy chồng, bởi bà nghĩ Thủy còn trẻ, lại không có con nên ở vậy cô sẽ khổ, về già sẽ không có ai nương tựa…!

Có lần bà bảo Thủy: “Con à, cuộc đời của con quá khổ, nó khổ gần giống như mẹ đây khi chồng mất quá sớm! Thế nhưng, mẹ còn hạnh phúc hơn con, vì mẹ còn có thằng Tuấn, chồng con là niềm vui, niềm an ủi lúc mẹ còn trẻ… Còn con bây giờ, nỗi khổ còn nhân lên gấp đôi, nếu như con thương mẹ, con hãy đi lấy chồng, chọn lấy một chàng trai biết cảm thông, biết thương yêu, chia sẻ với con, để con bớt khổ”.

Mỗi lần nghe mẹ chồng khuyên đi lấy chồng, Thủy đều gạt phăng đi.

Kế hoạch tìm chồng cho con dâu

Khuyên nhủ Thủy nhiều lần về chuyện chồng không được, bà Hạnh đã tự ý đi tìm… chồng cho Thủy bằng cách xem có chàng trai nào trong làng, trong xã ngoan, hiền, chí thú làm ăn, rồi bà tới “đặt vấn đề”.

Mưa dầm thấm lâu, lời khuyên nhủ của bà Hạnh cũng có tác dụng, khi Thủy đã chấp thuận ý kiến của mẹ chồng, đó là: lấy chồng, nhưng hai vợ chồng vẫn ở cùng bà Hạnh! Người mà Thủy lấy làm chồng là Nam, hơn cô 2 tuổi, người cùng làng, do chính mẹ chồng - bà Hạnh “mai mối”.

Nam dường như cũng thấu hiểu nỗi khổ của Thủy, của bà Hạnh, nên anh chấp nhận cảnh “ở rể”, mặc dù ở làng quê chuyện con trai đi rể nhà vợ vẫn còn khá nặng nề. Ngày cưới Thủy, bà Hạnh cùng bố mẹ đẻ của cô cùng chung tay lo liệu cho đôi vợ chồng trẻ. Bà Hạnh vui lắm, vì bà thấy con dâu bà tìm được hạnh phúc.

Từ khi lấy chồng, vợ chồng Thủy sống cùng bà Hạnh đầm ấm, vui vẻ. Tiếng cười, tiếng nói rộn rã vang lên trong ngôi nhà thường xuyên hơn, khi đứa con trai đầu lòng của Thủy và Nam chào đời. Bà Hạnh lúc này làm nhiệm vụ chăm bẵm cháu để vợ chồng con dâu rảnh rang đi làm.

Rồi đứa con gái thứ 2 của vợ chồng Thủy ra đời, bà Hạnh có phần vất vả hơn vì phải chăm bẵm 2 đứa cháu một lúc, nhưng nụ cười luôn nở trên môi bà thường xuyên hơn.

Người ta từng bảo “tìm thấy niềm vui trong niềm vui của người khác”, hay “mang lại niềm vui cho người khác, ta sẽ tìm thấy hạnh phúc”… và bà Hạnh là người như thế.

Lê Thị Kết