Dữ liệu y khoa

Thuốc Đông y hỗ trợ trị sốt rét

  • Tác giả : Lương y Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông y Hải Phòng)
Theo Đông y, bệnh sốt rét nằm trong chứng bệnh ngược tật, nghĩa là đúng thời gian lại phát chứng hàn nhiệt, bệnh thuộc chứng của hàn ngược và gián nhật ngược. Đông y có nhiều bài thuốc hiệu quả phòng và chống bệnh sốt rét.

Các bài thuốc trị sốt rét cơn

Thang lá na + mật mía: Lá na (mãng cầu ta) tươi 100g, mật mía10g. Lá na rửa sạch, giã nát, cho vào 30ml nước chín, trộn đều, ép lọc lấy nước, cho mật mía vào quấy tan đều, uống 1 lần vào lúc sáng sớm. Uống luôn 3 ngày. Chủ trị: Sốt rét từng cơn, rét xong lại nóng, nhức đầu khát nước, mỗi ngày 1 cơn hoặc 2 ngày 1 cơn.

Bột thường sơn binh lang: Thường sơn 20g, thảo quả 20g, hoạt thạch 20g, binh lang 15g, bạch phàn 10g, cam thảo 8g. Thường sơn tước bỏ gân lá tẩm giấm sao. Thảo quả đập bỏ vỏ lấy nhân sao. Bạch phàn phi khô, binh lang, cam thảo sấy khô. Tất cả tán bột mịn. Mỗi tuần uống 4g, ngày uống 2 lần, chấm với chuối tiêu ăn, uống trước khi ăn cơm 2 giờ.

thuoc-dong-y-tri-sot-ret.jpg
Thuốc Đông y hỗ trợ trị sốt rét

Nhân sâm bại độc gia thường sơn thảo quả thang: Nhân sâm hoặc đảng sâm 4g, khương hoạt 4g, độc hoạt 4g, tiền hồ 4g, sài hồ 4g, xuyên khung 4g, Chỉ xác 4g, cát cánh 4g, phục linh 4g, trần bì 4g, cam thảo 4g, lá thường sơn bỏ gân (sao rượu) 12g, thảo quả nhân (sao) 12g. Cho tất cả thuốc cùng 600ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc, chia uống làm 2 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.

Hà sơn hoàn: Hà thủ ô đỏ (chế) 300g, lá thường sơn (bỏ gân) 160g, đảng sâm 160g, binh lang 120g, thảo quả 120g, can khương 60g. Đảng sâm, binh lang, can khương thái mỏng sấy khô. Thường sơn tẩm rượu sao vàng. Thảo quả sao cháy vỏ. Hà thủ ô sấy khô. Tất cả các vị tán bột mịn trộn đều, luyện hồ làm viên bằng hạt đậu xanh, sấy khô. Trẻ em: 5 - 10 tuổi ngày uống 1 lần 10 - 15 viên; Trên 10 tuổi, ngày uống 1 lần 15 - 20 viên; Người lớn ngày uống 1 lần 30 - 40 viên. Uống với nước chín nóng trước khi lên cơn 1 giờ. Kiêng kỵ: Các chất tanh, mỡ. Chủ trị: Sốt rét lâu ngày không khỏi, rét nhiều nóng ít hoặc không sốt, không khát nước, người mỏi mệt, ăn ít. Trường hợp: Sốt rét, nóng nhiều rét ít và phụ nữ có thai không dùng.

Tảo thanh huyết quản hoàn: Lá thường sơn khô 100g, can khương 200g, nhục quế 100g. Các vị sấy khô tán bột mịn, luyện hồ làm hoàn bằng hạt đậu đen. Ngày uống 2 lần mỗi lần 6 - 8 viên. Sốt rét lâu năm dây dưa không khỏi.

Triệt ngược kim đơn: Lá thường sơn (khô) 500g; Thân, cành thường sơn (khô) 500g, thảo quả (sao đen vỏ, giã nát dập) 40g, thương truật 40g, hậu phác 80g, đường trắng 100g, 500ml rượu trắng 45°.

Các vị cho nước ngập xác thuốc, sắc cạn còn phân nửa, gạn lấy nước 1. Đổ thêm nước tiếp tục sắc cạn còn phân nửa, gạn lấy nước 2. Hỗn hợp cả 2 loại nước sắc lại, lọc sạch cặn, cho đường vào quấy tan tiếp tục sắc cạn lấy 500ml nước thuốc hòa vào 500ml rượu trắng. Mỗi ngày uống 1 thìa canh vào lúc sáng sớm. Chủ trị: Sốt rét dây dưa lâu năm.

Lục đậu kê đản bạch thang: Đậu xanh cả vỏ xay mịn, lòng trắng trứng gà, giấm thanh 10%. Trộn đều 3 thứ với nhau gói vào một miếng gạc đắp kín vùng lách sưng từ bờ sườn trái trỏ xuống, trên phủ giấy nilon để giữ độ ẩm được lâu. Ba ngày thay thuốc một lần, 1 đợt điều trị đắp thuốc 9 - 15 lần.

Trong thời gian đắp thuốc, kết hợp với tập khí công. Chủ trị: Bệnh lách to (báng) do sốt rét. Chú ý: Sau khi đắp lần 3 lách co được 1 - 2cm, lách mềm dần, người bệnh thường cảm thấy dấm dứt khó chịu ở vùng lách, kèm theo sôi bụng và đại tiện lỏng là báo hiệu có kết quả tốt, không cần phải xử trí gì. Sau lần đắp thuốc thứ tư trở đi các dấu hiệu trên sẽ tự nhiên hết.

sot-ret-3.jpg
Thuốc Đông y hỗ trợ trị sốt rét.

Thuốc trị theo triệu chứng

Chính ngược: Triệu chứng như đầu tiên rét run, sốt cao ra mồ hôi hạ sốt, bệnh có chu kỳ sốt ngày 1 cơn, 2 ngày 1 cơn, 3 ngày 1 cơn, nhức đầu, mặt đỏ, lưỡi đỏ, phiền khát muốn uống, rêu trắng mạch huyền. Pháp trị: Hòa giải đuổi tà là chính gồm sài hồ 20g, hoàng cầm 10g, trích thảo 6g, sinh khương 4 lát, đảng sâm 12g, táo 12g, bán hạ 8g, thường sơn 12g, hậu phác 8g, thảo quả 8g, binh lang 6g, sắc uống.

Ôn ngược: Triệu chứng như sốt nhiều rét ít hoặc không rét, mồ hôi ít, đau các khớp, nhức đầu, khát nước, táo bón, lưỡi đỏ rêu vàng mạch huyền tế sác. Pháp trị: Thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát gồm thạch cao 40g, quế chi 8g, thường sơn 12g, đảng sâm 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g, sinh địa 12g, thạch cao 12g, miết giáp 12g, tri mẫu 8g, đan bì 8g, sắc uống.

Rét nhiều, sốt ít hoặc không sốt: Triệu chứng như rét không sốt hoặc sốt ít, không khát, ngực sườn đầy tức mệt mỏi, lưỡi nhạt rêu mỏng dính, mạch huyền trì. Pháp trị: Tân ôn đuổi tà là chính gồm sài hồ 8g, quế chi 8g, can khương 6g, hoàng cầm 8g, qua lâu 8g, mẫu lệ 12g, cam thảo 6g, thảo quả 8g, binh lang 6g, sắc uống.

Thiếu máu: Đảng sâm 16g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, sài hồ 12g, thăng ma 8g, trần bì 6g, quy xuyên 12g, trích thảo 6g, hà thủ ô 12g, thường sơn 12g, binh lang 8g, thảo quả 8g, sắc uống.

Các cách chăm sóc cho người bệnh sốt rét tại nhà:

• Theo dõi thường xuyên nhiệt độ cơ thể;

• Dùng thuốc hạ sốt và các thuốc khác cho bệnh nhân theo chỉ dẫn của bác sĩ;

• Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng;

• Duy trì lượng nước, tránh để người bệnh mất nước;

• Mặc quần áo thoáng mát;

• Thông gió trong phòng, đảm bảo đủ không khí lưu thông;

• Đặt bệnh nhân nằm nghiêng;

• Không khuyến khích bệnh nhân thực hiện các hoạt động gắng sức;

• Thường xuyên vệ sinh răng miệng, cơ thể, giường và gối;

• Tránh để muỗi tiếp tục đốt người bệnh.

Lương y Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông y Hải Phòng)