Thời sự

Thực trạng chuyển đổi số báo chí sau 1 năm thực hiện quyết định 348/QĐ-TTg

  • Tác giả : Nguyễn Mạnh Tiến
Đến nay đã có 120/127 báo và 149/673 tạp chí đã thực hiện loại hình điện tử. Nhiều cơ quan Báo chí đã thực hiện chuyển đổi số Báo giấy e-Paper, e-Magazine...Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở nhiều cơ quan Báo chí vẫn diễn ra chậm chạp.

Chuyển đổi số Báo chí như thế nào?

Đã hơn 1 năm thực hiện quyết định số 348/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ngày 6/4/2023, phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số Báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Báo chí đã xác định chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc để thay đổi và phát triển theo luồng vận đông mới của thời cuộc, nhiều cơ quan báo chí đã có những bước tiếp cận và triển khai.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội mạng tạo nên sự bùng nổ thông tin cạnh tranh gay gắt và trực tiếp với Báo chí. Do vậy, chuyển đổi số đã trở thành một đòi hỏi tất yếu đối với ngành báo chí.

Để cạnh tranh, tồn tại và phát triển, các cơ quan báo chí buộc phải thay đổi tư duy, tập trung đầu tư vào công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện quá trình chuyển đổi số một cách bài bản, linh hoạt.

e-Paper thông qua QR code trên báo in Khoa học và Đời sống.

e-Paper thông qua QR code trên báo in Khoa học và Đời sống.

Mục tiêu của chuyển đổi số báo chí là thay đổi cách hoạt động của một tòa soạn hội tụ đa phương tiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số nhằm cung cấp những giá trị thông tin, giá trị gia tăng lớn hơn cho các đối tượng đọc giả mà tòa soạn ấy phục vụ.

Mục tiêu đó cũng nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; làm tốt hơn nữa sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân góp phần mang thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự đổi mới, phát triển của đất nước.

Chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung. Việc ứng dụng các công nghệ như AI, IoT, Big data,... cùng với sự hợp tác, tương tác với các mạng xã hội sẽ tạo ra các sản phẩm báo chí đa nền tảng, thông minh phù hợp và tiếp cận nhanh chóng hơn với người dùng.

Thực hiện chuyển đổi số báo là việc sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng như website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Đây là một quá trình khó khăn và đầy thách thức, nhưng là xu hướng tất yếu mà báo chí cần phải thực hiện để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số hiện nay.

Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Nhằm thúc đẩy và đánh giá việc chuyển đổi số của các cơ quan Báo chí theo quyết định số 348/QD-TTg của Thủ Tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định 951/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Mục tiêu ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí nhằm thống nhất Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí làm công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí dùng chung trên phạm vi cả nước.

Thang điểm và cách đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành, chuyển đổi số của các cơ quan báo chí là một bảng các chỉ số được nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí với tổng thang điểm 100.

1- Chiến lược (18 điểm)

2- Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin (24 điểm)

3- Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn (20 điểm)

4- Độc giả, khán giả, thính giả (23 điểm)

5- Mức độ ứng dụng công nghệ số (15 điểm)

Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí sẽ được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp loại như sau:

Mức 1: dưới 50 điểm - ở mức Yếu

Mức 2: từ 50 đến dưới 60 điểm - ở mức Trung bình

Mức 3: từ 60 đến dưới 70 điểm - ở mức Khá

Mức 4: từ 70 đến 80 điểm - ở mức Tốt

Mức 5: trên 80 điểm - ở mức Xuất sắc

Cơ quan báo chí sau khi đã được thẩm định, đánh giá sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Chứng nhận mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và được sử dụng Chứng nhận này để quảng cáo thương hiệu cũng như đăng ký tham gia các chương trình chuyển đổi số báo chí và các đề án chuyển đổi số của cơ quan nhà nước.

Thực trạng Chuyển đổi số của các cơ quan báo chí hiện nay

Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là sự ra đời của các mô hình truyền thông mới như: Báo chí di động, Tòa soạn hội tụ, Báo chí mạng xã hội, đa nền tảng, đa phương tiện. Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh và truyền hình đã chuyển sang sử dụng nền tảng internet.

Chuyển đổi số thay đổi cách hoạt động của một tòa soạn hội tụ đa phương tiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí.

Chuyển đổi số thay đổi cách hoạt động của một tòa soạn hội tụ đa phương tiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí.

Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học, công nghệ và kỹ thuật đã cho phép nhà sản xuất nội dung sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn như podcast, video, Megastory, infographics, long form, data journalism, media, lens,... Chuyển đổi số báo chí cũng đã thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản trị nội bộ của tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng, dựa trên việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến.

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đại bộ phận các cơ quan báo chí cả nước đã hoạt động trên mạng internet, cụ thể: 120/127 báo đã thực hiện các loại hình điện tử; 149/673 tạp chí thực hiện loại hình điện tử...

Các cơ quan báo chí điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiến hành kiểm tra, đánh giá về an toàn an ninh mạng, đồng thời đã đưa ra các giải pháp để đảm bảo sự an toàn thông tin.

Thực trạng hiện nay, nhiều trang báo, tạp chí điện tử ở Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ Web 1.0 (chỉ cho phép đọc), một số ít đã chuyển sang Web 2.0 (cho phép tương tác và lưu trữ một phần thông tin cá nhân của người đọc). Phần lớn các cơ quan báo chí vẫn phụ thuộc vào các công cụ đo lường của các nền tảng toàn cầu như Google, Facebook hoặc các công cụ đo lường từ bên thứ ba.

Chưa có bất kỳ cơ quan Báo chí nào tạo ra cơ sở dữ liệu riêng biệt cho mình liên quan đến thông tin về người đọc và hành vi của họ. Do vậy, sự tương tác liên quan đến các hành vi người đọc tác động lên các cơ quan Báo chí là không đáng kể dẫn đến thông tin chính thống của các cơ quan báo chí bị mạng xã hội dẫn dắt.

Còn tiếp...

Nguyễn Mạnh Tiến