Dữ liệu y khoa

Thiếu vitamin D trong mùa hè

  • Tác giả : Khánh Thủy
Do ra nhiều mồ hôi, khó ngủ nên bé M. (Hà Nội) được bố mẹ đưa đến BVĐK Medlatec thăm khám.

Gia đình cho biết, bé ăn ít ăn rau củ quả. Phát triển tinh thần, vận động bình thường. Tuy nhiên, trước khi đi học trở lại, bé ở nhà nhiều tháng, ít ra ngoài. Hơn 1 tháng nay gia đình thấy bé ra nhiều mồ hôi tay, chân, hay mệt mỏi, buổi tối khó vào giấc ngủ nên mới cho đi viện khám.

Bác sĩ khám kiểm tra nhiệt độ, chức năng hô hấp, tim, phổi của bé đều trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, cân nặng và chiều cao thiếu nhẹ so với trung bình của chuẩn tăng trưởng WHO, cụ thể cân nặng 21 kg, tức của bé thấp hơn mức tiêu chuẩn 22.9kg, chiều cao 119cm cũng thấp hơn mức tiêu chuẩn 121.7 cm.

Về kết quả xét nghiệm kiểm tra vi chất đáng lưu ý có chỉ số xét nghiệm vitamin D: 17.10 ng/ml, tức thiếu nặng theo phân loại tình trạng thiếu vitamin D của Hội Nội tiết Mỹ: Thiếu nhẹ: 20-29 ng/ml, thiếu nặng ,<=20 ng/ml, đủ >= 30 ng/ml.

Vì vậy, bé được chẩn đoán thiếu vitamin D và kê đơn điều trị ngoại trú, đồng thời bác sĩ có tư vấn chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc khắc phục vụ tình trạng thiếu vitamin D.

BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi của bệnh viện cho biết, thời gian gần đây, chuyên khoa Nhi tiếp nhận nhiều bé đến khám do đổ hôi khi ngủ (còn gọi là mồ hôi trộm), trẻ trằn trọc, khó ngủ, đau mỏi chân tay đặc biệt sau chơi thể thao. Sau khi thăm khám, đa số đều có biểu hiện thiếu vitamin D.

BS Ngọc khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được đánh giá có thiếu vitamin D hay không để có biện pháp phòng ngừa kịp thời khi thấy trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu như quấy khóc nhiều, khó ngủ và trằn trọc không ngủ được, ra mồ hôi trộm (vào ban đêm khi trời không nóng), trẻ mọc răng chậm, chậm biết đi, biến dạng xương, đau mỏi chân tay...

Vitamin D rất quan trọng với cơ thể. Vitamin D tạo nên cấu trúc xương, phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, bao gồm hormone tuyến cận giáp và insulin.

Vitamin D cũng có khả năng ảnh hưởng đến sự biệt hoá một số tế bào ung thư như ung thư da, xương và các tế bào ung thư vú; Giảm nguy cơ phát triển ung thư (vú, đại tràng và tuyến tiền liệt), điều hòa cân bằng nội môi của can xi và phốt pho trong cơ thể.

Ngoài ra, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các nghiên cứu đã kết luận vitamin D không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch bẩm sinh, mà còn giúp hệ miễn dịch không phản ứng quá mức đưa cơ thể người vào tình thế nguy hiểm có thể tử vong. Tức vitamin D có thể giảm tỷ lệ tử vong đến 50% do giảm các biến chứng dẫn đến tử vong sau khi mắc bệnh.

Ngược lại, nếu thiếu hụt vitamin D gây ra còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ em, cũng như gây loãng xương ở người lớn. Theo BS Ngọc, những đối tượng đặc biệt lưu ý có nguy cơ thiếu vitamin D trầm trọng như: Trẻ sinh non, trẻ không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (sinh trong mùa đông); Trẻ có chế độ ăn chủ yếu dựa vào rau và các loại hạt, không sử dụng sữa hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D; Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, rối loạn tiêu hoá kéo dài…).

Cha mẹ cần lưu ý bổ sung vitamin D cho trẻ thông qua việc tắm nắng và chế độ dinh dưỡng. Không nên để trẻ thiếu vitamin D khi nguồn năng lượng miễn phí đang rất dồi dào.

Khánh Thủy