Sống xanh

Thiết kế nhà để tránh bão và lốc xoáy

  • Tác giả : Phong Lâm
(khoahocdoisong.vn) - Nhà chống bão nghĩa là ngôi nhà đối phó được với những cơn bão từ nhỏ đến lớn mà không bị tốc mái, sập tường hay ngập nước... Nhà lợp mái tôn thì phải có các điểm neo vào cột và tường chắc chắn. Các điểm neo này sẽ giúp mái không bị tốc khi có gió lốc.

TS Trần Văn Giải Phóng, phụ trách kỹ thuật các dự án, Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) cho biết, kỹ thuật xây nhà chống bão dựa trên những điểm nhấn chính của ngôi nhà. Các điểm nhấn này xoay quanh mục tiêu là chống được bão. Nhà chống bão phải có tường dày, móng chắc. Trong nhà phải có các trụ bê tông cốt thép nối giữa các tường ngăn. Quan trọng nhất là mái nhà chống mái.

Mái nhà tốt nhất là bằng bê tông cốt thép. Nếu mái dốc phải có trần, độ dốc mái nên lấy từ 200 - 300. Giữa các kết cấu phải có giằng liên kết theo 2 phương đứng và ngang. Nhà mái ngói được các nhà khoa học khuyến cáo nên sử dụng ngói có lỗ buộc, tăng cường liên kết của hệ kèo, xà gồ. Mái ngói thường phải có dây thép buộc. Nền nhà phải được đầm chặt hoặc đóng bằng cọc tre hay đúc giằng móng để tạo khả năng chịu lực tổng thể theo các phương. Tường nhà đảm bảo độ bền chịu gió đẩy và gió hút, chống lật, không bị biến dạng; tường cần đủ sức truyền tải trọng từ bên trên xuống móng qua các liên kết. 

Khi tường yếu phải có giằng chéo trong tường và các góc tường. Các bức tường gạch dài cần được tăng cường độ cứng bằng bổ sung trụ hoặc bố trí các dầm và các cột liên kết bằng bê tông cốt thép. Tường gạch vượt mái được tăng cường bằng dầm bêtông cốt thép, neo xuống dưới đế theo các khoảng đều nhau... Đối với cửa thì cửa càng kín gió chống bão càng tốt. Tốt nhất là dùng bản lề chôn sâu vào tường hoặc dùng loại cửa đẩy, cửa lật. Khung cửa phải có thép đuôi cá và cửa phải được chèn cẩn thận vào tường. Cửa liếp, cửa gỗ nên gia cường thêm các thanh chữ Z buộc hoặc đóng đinh cẩn thận.

Phong Lâm