Chuyển động

Thiên tai làm 73 người chết và mất tích 6 tháng đầu năm

  • Tác giả : Phạm Huy (T/H)
6 tháng đầu năm 2022, tình hình thiên tai ở Việt Nam diễn ra hết sức phức tạp và khó lường. Nước ta đã chịu ảnh hưởng của 22 trận mưa lớn; 15 trận mưa dông. Tính đến ngày 4/7, thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.025 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng tại khu vực Đông Nam Á. Hạn hán và lũ lụt đã ảnh hưởng đến 13,1 triệu ha đất trồng trọt và khoảng 20,6 triệu tấn sản lượng cây trồng trong khu vực từ năm 2015 đến năm 2019.

Riêng tại Việt Nam, tình hình thiên tai trong 6 tháng đầu năm nay diễn ra phức tạp, cực đoan và trái quy luật, mưa lũ trái mùa kèm theo dông, lốc lớn trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp.

Tính đến đầu tháng 7, thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.025 tỷ đồng (gấp 2,7 lần thiệt hại về người và 24 lần thiệt hại về kinh tế so với 6 tháng đầu năm 2021).

Các loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lũ, dông bão đã làm 3.620 nhà hư hỏng, tốc mái; 167.979 ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại; 17.563 con gia súc, 56.046 con gia cầm bị chết.

Dông bão, sóng lớn làm 299 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; hơn 3.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 8.803 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Mưa lũ, lũ quét đã làm 29 cầu tạm bị cuốn trôi, hơn 623.000m3 đất đá sạt lở. Ước tính, thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng năm 2022 là 4.015 tỷ đồng.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai có hiệu quả

Chúng ta không thể loại trừ thiên tai mà chỉ có khả năng hạn chế và tìm các biện pháp thích ứng để giảm nhẹ thiệt hại. Qua đó, lợi dụng, né tránh, tiến tới khắc phục và từng bước chinh phục thiên tai nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất, đời sống.

Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người, mọi nhà, mọi địa phương nhận thức sâu sắc tác hại của thiên tai, nhận diện một cách đầy đủ các loại hình thiên tai và những diễn biến của nó để chủ động phòng, chống một cách có hiệu quả, với phương châm “Phòng, tránh là chính, tự cứu mình là chính”.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ) một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả.

Coi trọng đúng mức và làm tốt công tác dự báo, dự tính, chỉ huy điều hành của các cấp, các ngành.

Quy hoạch và xây dựng các công trình để vừa cấp nước cho các nhu cầu KT-XH, vừa điều tiết nước lũ về mùa mưa; củng cố các tuyến đê sông, suối, ao, hồ thủy lợi... Xây dựng các trạm bơm tưới tiêu, các công trình phân lũ...

Bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng.

Khi có thiên tai xảy ra, cần huy động tổng hợp các lực lượng, nhất là lực lượng chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện và nhân dân trên địa bàn thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; phải chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và các yếu tố đảm bảo. Sau thiên tai, cần đánh giá chính xác thiệt hại, huy động nội lực với tinh thần “lá lành đùm lá rách” và coi trọng sự cứu trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn cứu trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.

Thu hút đầu tư nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một tỉnh nông nghiệp sang một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; xem đây là giải pháp căn cơ nhất để phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển một cách bền vững./.

Phạm Huy (T/H)