Ngân hàng

Thanh khoản dư thừa - dấu hiệu của tăng trưởng yếu

  • Tác giả : Vân Tuyết
(khoahocdoisong.vn) - Thanh khoản liên ngân hàng quá dư thừa và lãi suất giảm thấp kỷ lục trong tuần qua cho thấy nguồn vốn đang “ứ đọng” và đầu ra cho dòng tiền trở thành bài toán khó. Nhu cầu vay mượn của nền kinh tế suy giảm hay chính ngân hàng e ngại rủi ro từ nợ xấu, đều là dấu hiệu của sụt giảm tăng trưởng.
Tính chất rủi ro của các tài sản sinh lời đi kèm nhu cầu vay vốn có dấu hiệu chững lại đã khiến dòng vốn “tắc nghẽn” tại ngân hàng.

Tính chất rủi ro của các tài sản sinh lời đi kèm nhu cầu vay vốn có dấu hiệu chững lại đã khiến dòng vốn “tắc nghẽn” tại ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính, thị trường tiền tệ rất hiếm khi có hiện tượng lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng ở mức 0,1%/năm như hiện nay. Cụ thể, lãi suất đô la Mỹ kỳ hạn qua đêm đã giảm về 0,1 - 0,2% vào trung tuần tháng 5, trong khi lãi suất tiền đồng cùng kỳ hạn có lúc đã giao dịch ở mức 0,1% trong tuần vừa qua. Điều này cho thấy có quá nhiều tiền trên thị trường và chi phí sử dụng chúng đang gần như bằng 0%.

Nhìn từ ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tiếp được điều chỉnh giảm thì thanh khoản dư thừa có thể do hệ quả của việc gia tăng cung tiền trong thời gian qua và khả năng chuyển hóa từ nguồn vốn sang các tài sản sinh lời của ngân hàng có dấu hiệu suy giảm.

Cho vay khách hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tính tới hết ngày 28/4, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 1,32% so với đầu năm, thấp hơn con số 4,6% cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính quý 1 cũng cho thấy nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm như VietinBank, SaigonBank... và khả năng tín dụng tiếp tục tăng chậm là nguyên nhân chính khiến ngân hàng dư vốn kéo dài.

Tăng trưởng tín dụng chậm có thể do hai nguyên nhân chính: Một là nhu cầu đi vay trong nền kinh tế suy giảm do tác động từ dịch Covid-19. Dịch bệnh làm suy giảm tăng trưởng tại hầu hết quốc gia trên thế giới, khiến cầu tiêu dùng và sản xuất sụt giảm, gián đoạn chuỗi cung ứng và dòng thương mại toàn cầu. Hai là ngân hàng thận trọng trong cấp mới tín dụng. Hiện tại, các chương trình cho vay ưu đãi đều sử dụng hoàn toàn vốn của ngân hàng, không có vốn ngân sách. Vì vậy, những lo ngại tác động từ dịch bệnh lên hoạt động tiêu dùng, sản xuất sẽ thổi bùng nợ xấu nếu ngân hàng nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Như vậy, do tính chất rủi ro của các tài sản sinh lời đi kèm nhu cầu vay vốn có dấu hiệu chững lại đã khiến dòng vốn “tắc nghẽn” tại ngân hàng - trung gian tài chính của nền kinh tế. Dòng vốn huy động không được quay vòng để sinh lời sẽ tác động tiêu cực lên lợi nhuận ngân hàng. Điều này có thể đồng nghĩa với nhu cầu sản xuất mới không cao và nền kinh tế sau dịch đang tăng trưởng chậm chạp.

Dù vậy, Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng ở ngưỡng khá cao so với mặt bằng thế giới. Chúng ta có thể kỳ vọng dòng tín dụng và đầu tư công sẽ khơi thông mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng 2020. 

Vân Tuyết