Giải pháp

Thái Nguyên: Loạt dự án chậm tiến độ có được xử lý?

  • Tác giả : Hoàng Nam-Hoa Linh Lan
Với nhiều dự án "treo", dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khiến quyết tâm xử lý của tỉnh Thái Nguyên bị ngờ

Kiểm tra, rà soát nhiều

Từ năm 2016 đến năm 2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã 3 lần lập các đoàn kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Năm 2018, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra đối với 97 dự án, trong đó có 43 dự án thuộc diện kiến nghị thu hồi. Những dự án được kiến nghị thu hồi chủ yếu là do nhà đầu tư không triển khai các bước tiếp theo về đầu tư như: Lập, trình, phê duyệt dự án; giải phóng mặt bằng và làm các thủ tục thuê đất theo quy định; một số chủ đầu tư đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án; một số dự án đã triển khai thực hiện, song chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai…

Có quyết định thu hồi từ tháng 12/2013, đến nay 2 dự án có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng của Công ty CP Trung Tín vẫn dang dở, quây kín rào tôn, cỏ dại mọc kín mặt bằng dự án.

Có quyết định thu hồi từ tháng 12/2013, đến nay 2 dự án có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng của Công ty CP Trung Tín vẫn dang dở, quây kín rào tôn, cỏ dại mọc kín mặt bằng dự án.

Năm 2021 UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thành lập 4 Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra 150 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Kết thúc quá trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi, chấm dứt hoạt động của 21 dự án chậm tiến độ, vi phạm các quy định về đầu tư.

Bên cạnh các dự án đã có quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng xem xét, ra quyết định chấm dứt hiệu lực văn bản cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với một số dự án đầu tư khác.

Cụ thể là, dự án trồng rừng gỗ lớn năng suất, chất lượng cao kết hợp cây đặc sản, dược liệu dưới tán rừng tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa của Hợp tác xã Lâm nghiệp Hợp lực; Dự án khu nhà ở xã hội tạị phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ; Dự án tổ hợp sản xuất máy móc, thiết bị công nông nghiệp, kho bãi chữa hàng, siêu thị Đại Phát tại xóm Đường, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương của Công ty TNHH Thiết bị Đại Phát; Dự án Khu đô thị An Phú tại phường Đồng Quang và Tân Thịnh, TP Thái Nguyên của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tân An Phú Thái Nguyên...

Thống kê của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2006 đến 2021, toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra, rà soát 538/984 dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn. Qua đó đã kiến nghị thu hồi 252 dự án do không bảo đảm cam kết đầu tư.

Khu đô thị Hồng Vũ với quy mô mô sử dụng đất 21,36ha sau hơn 10 năm triển khai.

Khu đô thị Hồng Vũ với quy mô mô sử dụng đất 21,36ha sau hơn 10 năm triển khai.

Còn nhiều dự án chậm

Những con số dự án bị thu hồi tại tỉnh Thái Nguyên là khá cao. Tuy nhiên, nếu so với thực tế các dự án vi phạm về tiến độ thì tỷ lệ lại không đáng kể.

Ðể tình trạng nhiều dự án treo, chậm tiến độ kéo dài, bên cạnh một số yếu tố khách quan như thiên tai, dịch họa, thay đổi chính sách… có vai trò, trách nhiệm không nhỏ của chính quyền, các sở, ngành địa phương.

Ðơn cử như tại Dự án Cụm công nghiệp An Khánh 1, chậm tiến độ gần 9 năm; Dự án khu liên hợp quặng sắt La Hiên chậm 5 năm; KCN Ðiềm Thụy chậm hơn 7 năm… Ðáng nói là, những dự án nêu trên chỉ được biết khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra đồng thời kiến nghị UBND tỉnh thu hồi. Trong khi các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên lại không hề phát hiện được và để chúng tồn tại suốt nhiều năm.

Một thí dụ rất rõ là Dự án Trung tâm thương mại - chợ Dốc Hanh (TP Thái Nguyên), có quyết định cho phép đầu tư hàng chục năm vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Những dự án như: Khu đô thị Hồ điều hòa Xương Rồng, KDC số 5, KDC kiểu mẫu phường Túc Duyên, KDC số 1, 2 phường Tân Lập; KDC Havico phường Ðồng Quang (TP Thái Nguyên)… có hàng loạt sai phạm từ đấu thầu, giải phóng mặt bằng, không có giấy phép xây dựng, không đủ điều kiện mở bán… Thế nhưng, hầu hết các dự án này chỉ bị xử lý theo kiểu "phạt để tồn tại" càng làm cho tình trạng sai phạm trong đầu tư trên địa bàn tỉnh thêm nghiêm trọng.

Một số dự án được đưa vào "tầm ngắm" trong các đợt rà soát như: Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng ở phường Hoàng Văn Thụ; Dự án đầu tư xây dựng Đài Bắc Hotel, tại tổ 25, phường Phan Đình Phùng, Dự án Chợ Túc Duyên, Dự án đường Bắc Sơn kéo dài (TP Thái Nguyên), Dự án Khu đô thị Hồng Vũ, Dự án Bệnh viện đa khoa Phúc Thái (TP Sông Công); Dự án nhà ở 379 City, Khu tái định cư kết hợp khu dân cư xóm Trung 3; Dự án Khu dân cư Ðiềm Thụy (huyện Phú Bình) …đến nay vẫn chưa được xử lý.

Thậm chí, có những dự án như Dự án Trung tâm hội nghị, dịch vụ cao cấp, khách sạn 5 sao Thái Nguyên Cty và Dự án tòa nhà hội chợ triển lãm dịch vụ trung tâm đều do Công ty CP Trung Tín làm chủ đầu tư chềnh ềnh ngay giữa trung tâm TP Thái Nguyên đã bị tỉnh Thái Nguyên ra quyết định thu hồi từ năm 2013 đến nay vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục thu hồi cũng như thực địa.

Chưa nói, năm 2023 tỉnh Thái Nguyên phát hiện hơn 4.700m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa và hơn 9.000m2 đất chuyển mục đích sử dụng đất chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép...

Đến nay Thái Nguyên cũng chưa hoàn thành việc thu hồi dự án đầu tư Khu công nghiệp Vinaxuki, Khu công nghiệp Trung Thành, Khu công nghiệp Điềm Thuỵ - Khu B...

Dự án APEC Mandala Wyndham Thái Nguyên tại phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) vẫn mới chỉ là phối cảnh.

Dự án APEC Mandala Wyndham Thái Nguyên tại phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) vẫn mới chỉ là phối cảnh.

Quyết tâm mới

Theo Luật Đất đai năm 2013 hiện hành, có 9 trường hợp dự án vi phạm trong lĩnh vực đất đai sẽ bị thu hồi, như: Chậm đưa đất vào sử dụng; đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất không đúng mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích; người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn, chiếm; Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành...

Tại Văn bản số 26/UBND-CNNXD ban hành ngày 04/1/2024 UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố rà soát đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa; tổ chức rà soát, xử lý và tham mưu cho UBND có kế hoạch kiểm tra, thanh tra để tham mưu, xử lý theo quy định.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu hoàn thành việc kiểm tra, rà soát xong trong quý I năm 2024.

Dự án xây dựng Trường đại học Y - Dược Thái Nguyên cơ sở II đến nay cũng mới chỉ có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết từ năm 2011.

Dự án xây dựng Trường đại học Y - Dược Thái Nguyên cơ sở II đến nay cũng mới chỉ có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết từ năm 2011.

Có thể thấy, mặc dù thời giam gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; nhưng việc để tồn tại các dự án chậm tiến độ hàng chục năm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, lãng phí đất, ảnh hưởng đời sống của người dân vùng dự án đã và vẫn đang diễn ra khiến dư luận bức xúc.

Người dân và doanh nghiệp chân chính hy vọng, với quyết tâm mới này tỉnh Thái Nguyên sẽ xử lý dứt điểm những dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích…gây lãng phí tài nguyên, lãng phí nguồn lực của xã hội…góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư tại địa phương.

Hoàng Nam-Hoa Linh Lan