NHÌN THẲNG

TBT Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn: Báo điện tử là trung tâm… Báo in vẫn tồn tại

  • Tác giả : PV
Là một tờ báo có bề dày truyền thống và hệ sinh thái truyền thông đa dạng, Tiền Phong không chỉ làm tốt nhiệm vụ chính trị, mà còn duy trì báo in và phát triển báo điện tử ngày một tăng trưởng.
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn.

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn.

Báo điện tử dần thay thế vai trò báo in Tiền Phong trong gần 70 năm qua

Thưa ông, nhớ thời điểm ông trở thành Tổng Biên tập Báo Tiền Phong năm 2012, cũng là giai đoạn báo in có đối thủ điện tử. Vnexpress, Vietnamnet… xuất hiện, bạn đọc chuyển sang đọc báo điện tử vì những ưu việt không thể chối cãi, vậy Tiền Phong đã chuyển mình, đón bắt xu thế như thế nào?

Thời điểm tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ vào tháng 7/2012, các báo điện tử như Vnexpress, Vietnamnet đã rất mạnh, các tờ khác xuất hiện sau rất khó cạnh tranh. Lúc đó cũng xuất hiện thêm đối thủ đáng lo ngại hơn nữa cho một tờ báo điện tử là mạng xã hội. Khi đó, trong kế hoạch khẩn cấp 1 năm để ổn định và phát triển Báo Tiền Phong được soạn thảo nhanh và đưa vào thực hiện, chúng tôi đã đặt nhiệm vụ phát triển mạnh báo điện tử. Trước đó, Tiền Phong đặt trọng tâm vào phát triển báo in và các tạp chí, các ấn phẩm chuyên đề, chuyên san (thời đó báo có đến 7 ấn phẩm in). Tiền Phong điện tử khi ấy không được đầu tư và thực chất chỉ là một chuyên trang tổng hợp, chứ không phải là báo điện tử.

Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã phát triển tờ báo từ một chuyên trang tổng hợp thành một báo điện tử được nhiều độc giả biết đến. Trong 3 năm gần đây, chúng tôi đặt mục tiêu là đưa báo điện tử Tiền Phong thành trung tâm của Báo Tiền Phong, thay thế vai trò mà tờ báo in Tiền Phong đã đóng trong gần 70 năm qua. Và có thể nói, việc này đang trở thành hiện thực.

Để báo điện tử có sức cạnh tranh trong môi trường truyền thông ngày nay cần nguồn lực lớn về con người, trang thiết bị, công nghệ. Trong những năm vừa qua, chúng tôi đi khá chậm do phải ổn định cơ quan sau một lần chuyển đổi thế hệ không thật thành công và đặc biệt do thiếu nguồn lực. Mãi đến năm nay, 2022, chúng tôi mới có thể đầu tư trang thiết bị và công nghệ cần thiết.

Báo in lép vế trước các loại hình truyền thông mới, trong đó có mạng xã hội về độ cập nhật, độ phủ thông tin. Ông nhìn nhận gì về thực trạng này và cách Tiền Phong duy trì sức mạnh báo lớn vốn có?

Trong giai đoạn mà công nghệ và môi trường truyền thông thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay, báo in lép vế, tụt hậu là tất nhiên, không phải bàn cãi. Tuy nhiên, tôi tin vào quan điểm cho rằng báo in vẫn tồn tại do những đặc tính của nó như: chắc chắn, độ tin cậy cao, chiều sâu của thông tin và có phong cách riêng. Bởi vậy, Ban lãnh đạo Tiền Phong luôn cảnh báo để loại bỏ tư tưởng cho rằng báo in Tiền Phong có thể ngừng ra hoặc giảm kỳ.

Trong các kế hoạch năm, bên cạnh việc phát triển đưa ấn phẩm điện tử vào trung tâm của hệ thống, chúng tôi luôn đặt ra nhiệm vụ tiếp theo là cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng Báo Tiền Phong hằng ngày và các ấn phẩm in của Báo cả về nội dung lẫn hình thức. Chúng tôi cũng nỗ lực tìm các kênh phát hành khác nhau để kìm bớt tốc độ suy giảm số lượng của báo in Tiền Phong và đạt được một số kết quả tốt trong những năm qua.

Nhiều thương hiệu báo in lớn đã và đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm báo chí áp dụng các công nghệ hiện đại, Ông có thể chia sẻ về hành trình “chuyển mình” này của Báo Tiền Phong?

Như tôi đã thừa nhận ở trên, về việc này, Tiền Phong đang đi hơi chậm. Bắt đầu từ năm nay, với trang thiết bị và công nghệ mới, chúng tôi mới hy vọng tăng tốc.

Ban lãnh đạo Tiền Phong luôn cảnh báo để loại bỏ tư tưởng cho rằng báo in Tiền Phong có thể ngừng ra hoặc giảm kỳ.

Ban lãnh đạo Tiền Phong luôn cảnh báo để loại bỏ tư tưởng cho rằng báo in Tiền Phong có thể ngừng ra hoặc giảm kỳ.

Nỗ lực tự cân đối thu chi

Theo quan điểm của ông, sự phát triển của báo in thời gian tới sẽ thế nào?

Có thể vai trò của báo in tiếp tục giảm dần, nhưng vẫn tồn tại. Báo in đang và sẽ có những điều chỉnh cần thiết để có thể tồn tại như chuyển hướng cạnh tranh thông tin về độ nhanh, nhạy sang làm chuyên đề, tập trung vào khai thác sâu, phân tích, đánh giá những thông tin, những đề tài, sự kiện quan trọng nhất.

Phải thừa nhận rằng sức mạnh của báo in là không sợ tấn công mạng, không sợ sửa bài, độ tin cậy cao hơn... Tiền Phong đầu tư cho thế mạnh này như thế nào, thưa ông?

Về tổ chức, chúng tôi đang xây dựng lại Toà soạn chung quanh báo điện tử Tiền Phong, như trước đây đã từng với Báo Tiền Phong in. Các ban chuyên môn đang được chuyển sang gắn với Báo Tiền Phong điện tử, trong khi báo in sẽ chỉ có một ban phóng viên chuyên đề phục vụ. Các đầu tư về thu hút nhân lực, mua sắm trang thiết bị công nghệ, chi trả công, nhuận bút… cũng ưu tiên hơn cho báo điện tử.

Báo Tiền Phong phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tọa đàm, hội thảo.

Báo Tiền Phong phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tọa đàm, hội thảo.

Nhiều cơ quan báo chí lâm vào tình trạng báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo trực tuyến, mà doanh thu hạn chế. Vậy, giải pháp hiệu quả nào được ông lựa chọn giải bài toán kinh tế báo chí của Tiền Phong?

Chúng ta phải đối mặt với một hiện tượng phổ biến ở nhiều cơ quan báo chí là doanh thu từ các hoạt động thuần báo chí như phát hành, quảng cáo có thể không đủ để cân đối thu chi của tờ báo. Buộc phải linh hoạt hơn trong việc tìm các nguồn thu hợp pháp. Ví dụ như chủ động tổ chức các hoạt động, các dự án, các gói hợp tác truyền thông với các đơn vị, doanh nghiệp; tăng cường tạo nguồn và xuất bản các đặc san, ấn phẩm đặc biệt nhân các dịp lễ, tết, kỷ niệm, các ấn phẩm chuyên đề, sách; tổ chức các hoạt động nghiệp vụ có thu như toạ đàm, hội nghị, hội thảo về các sự kiện, vấn đề, đề tài nóng trên mặt báo; tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, xã hội có thu…

Nhiều năm gần đây, Tiền Phong Golf Championship, Tiền Phong Marathon nổi lên như một hiệu ứng thu hút cộng đồng, có được hiểu là một trong những “chiến lược” kinh tế báo chí của Báo, thưa ông?

Các sự kiện như Giải VĐQG Marathon và cự ly dài mang tên báo Tiền Phong (tiền thân là Việt dã toàn quốc, giải Báo Tiền Phong có lịch sử hơn 60 năm), Siêu Cúp Bóng đá quốc gia (từ năm 1999), Hoa hậu Việt Nam (tiền thân là Hoa hậu Hội báo Tiền Phong, Hoa hậu Toàn quốc, từ năm 1988) trong một thời gian dài hoàn toàn mang tính cống hiến, Báo không đặt mục tiêu lợi nhuận, thậm chí phải bỏ ra hoặc bù kinh phí để tổ chức.

Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các sự kiện do Tiền Phong tổ chức gồm cả Giải Golf Vô địch Quốc gia, Ngày hội Thẻ Việt Nam… đều phải có nhiệm vụ tự cân đối thu chi, thậm chí đóng góp trở lại đáng kể cho ngân sách hoạt động của tờ báo. Kể cả các hoạt động xã hội - thiện nguyện như chuỗi Ngày hội Chủ nhật Đỏ, Giải Golf vì tài năng trẻ Việt Nam, các hoạt động thường xuyên có quy mô không nhỏ khác hướng đến các đối tượng chính sách, người có công, tài năng trẻ, học sinh, sinh viên nghèo học giỏi… chúng tôi cũng nỗ lực lên kế hoạch và vận động các nguồn lực xã hội để không chỉ đủ cho các hoạt động đó mà còn có một phần tích luỹ cho lần tổ chức kế tiếp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tại Lễ trao tặng phòng máy tính cho học sinh Mường Lát, Thanh Hóa.

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tại Lễ trao tặng phòng máy tính cho học sinh Mường Lát, Thanh Hóa.

TBT Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn:

Chúng tôi xây dựng lại Toà soạn chung quanh báo điện tử Tiền Phong, như trước đây từng với báo in. Các ban chuyên môn gắn với điện tử, trong khi báo in chỉ có một ban phóng viên chuyên đề phục vụ.”

Tiền Phong là một tờ báo tích cực trong các hoạt động xã hội, thiện nguyện.

Tiền Phong là một tờ báo tích cực trong các hoạt động xã hội, thiện nguyện.

PV