Dữ liệu y khoa

Sống một mình càng lâu càng dễ mất trí nhớ

  • Tác giả : Khánh Thủy
Sống đơn độc, thiếu kết nối với người khác từ khi còn trẻ làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, mất trí nhớ khi về già.

Sống độc thân hay thu mình lại, ít giao tiếp, kết nối với những người xung quanh có thể dẫn đến những hệ lụy về tâm thần kinh, trí não, nhất là suy giảm trí nhớ.

Theo nghiên cứu của Đại học Bang Florida (Mỹ) trên 12.030 người trong vòng 10 năm cho thấy, sống cô đơn có liên quan đến việc tăng 40% nguy cơ sa sút trí tuệ.

Giả thuyết đưa ra là, sự cô đơn kích hoạt phản ứng căng thẳng sinh học theo chiều hướng mạn tính, từ đó gia tăng tích tụ protein Beta-Amyloid và protein Tau trong não. Khi hai loại protein này phát triển bất thường sẽ dẫn đến hiện tượng chết tế bào thần kinh (neurons), thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh và mất các khớp thần kinh.

Chúng cản trở quá trình vận chuyển dinh dưỡng đến các neurons, làm giảm khả năng dẫn truyền tín hiệu ở não. Những tác động này là yếu tố góp phần gây ra các triệu chứng của sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

Phản ứng căng thẳng khi sống cô đơn cũng khiến gốc tự do tăng sinh quá mức trong cơ thể. Nhiều người sống một mình thường có thói quen ăn uống không điều độ, thức khuya, sử dụng thiết bị điện tử nhiều... những thói quen này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe não bộ, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và nhiều vấn đề thần kinh phổ biến khác như mất ngủ, đau đầu, chóng mặt...

Để giảm thiểu ảnh hưởng đến trí não và trí nhớ, theo các chuyên gia, cần hạn chế các cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo lắng do thiếu kết nối với người khác. Duy trì các mối quan hệ chất lượng (như với người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết).

Người độc thân nên tích cực tham gia các hoạt động hội, nhóm, như làm tình nguyện viên, từ thiện, câu lạc bộ sách, câu lạc bộ khiêu vũ... Những hoạt động vui vẻ, ý nghĩa sẽ kích thích cơ thể giải phóng các hormone có lợi, giúp thư thái và giảm bớt sự cô đơn.

Khánh Thủy