Khoa học & Công nghệ

Sông Hồng có nguy cơ không còn phù sa

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, việc nước sông Hồng chuyển sang màu xanh trong vắt khác thường có thể là cảnh báo sẽ không còn phù sa, cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó trong tương lai.

Nước sông Hồng bỗng dưng trong vắt

Nước sông Hồng trong xanh, nhìn thấy đáy.

Nước sông Hồng trong xanh, nhìn thấy đáy.

Khoảng một tuần nay, nước sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai chuyển màu xanh ngọc khi quan sát từ hai bên bờ. 

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Chủ tịch Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nêu hai nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng nước sông Hồng không còn "hồng". Đó là số lượng lớn nhà máy, thủy điện, hồ chứa ở phía thượng nguồn sông Hồng (nằm trên lãnh thổ Trung Quốc) hoạt động đã khiến phù sa bị giữ lại và không chảy về Việt Nam. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến màu nước sông là chất ô nhiễm từ hoạt động của các nhà máy ở thượng nguồn và hai bên bờ nếu có.

Theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nước sông Hồng chảy qua địa bàn TP Lào Cai trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 có hàm lượng TSS (tổng chất rắn lơ lửng) giảm mạnh. Đây chính là nguyên nhân khiến nước trở nên trong vắt. Nước sông Hồng thường có màu đỏ hồng đặc trưng do phù sa mà nó mang theo. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm.

Ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cho biết, đây không phải hiện tượng lần đầu. Khoảng 10 năm trở lại đây, nước sông Hồng thường chuyển màu xanh, năm nào cũng xuất hiện vài lần. Hiện tượng này kéo dài hay không phụ thuộc vào phía thượng nguồn. Khi có nước từ thượng lưu đổ về mang theo đất cát, phù sa thì nước sông sẽ trở lại màu bình thường.

Tác hại của phát triển thủy điện quá mức

TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, hiện tượng nước sông Hồng qua Lào Cai trong mùa khô chuyển màu trong xanh là bình thường khi phía thượng nguồn ở Trung Quốc có tới 25 nhà máy thủy điện các loại chặn phụ lưu và dòng chính để phát điện. Vào mùa kiệt, lượng mưa rất ít nên không có dòng chảy mặt cuốn bụi đất xuống sông. Trong khi đó, các hồ thủy điện tích nước đã khá lâu và không có mưa to nên hầu như toàn bộ phù sa lắng đọng hết xuống đáy hồ. Vậy nên khi hồ xả nước để phát điện, dòng nước này chảy về hạ du, quét sạch nước bẩn làm nước sông trong xanh.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN khẳng định, hiện tượng đó liên quan đến lượng phù sa trong nước bị mất đi. Những biểu hiện biến đổi dòng chảy trên sông, như xói lở, bồi lắng bờ sông... là hệ quả của mất đi phù sa. Những chất di đẩy như cát, sỏi, đá di chuyển ở sát đáy sông sẽ gây ra hiện tượng biến đổi dòng chảy. Hiện tượng đổi màu nước cho thấy lượng phù sa trong nước không còn, hệ quả là sẽ làm giảm năng suất cây trồng khu vực ảnh hưởng các tỉnh dọc sông Hồng.

Theo các nghiên cứu, nguồn nước của lưu vực sông Hồng chịu sự tác động khá lớn các hồ chứa thủy điện của Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2008 ở sông Đà và năm 2010 ở sông Thao, các hồ chứa thủy điện đã thay đổi dòng chảy phía hạ lưu. Nó cũng thay đổi chế độ bùn cát, gây sạt lở, bồi lắng lòng dẫn hạ du, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, để ứng phó với việc trong tương lai có thể phù sa sông Hồng không còn, chúng ta phải lập quy hoạch, thay đổi tập quán, thói quen canh tác để giữ sự màu mỡ của đất đai. Sử dụng biện pháp luân canh, trồng các loại cây xen kẽ, bón các loại phân hữu cơ, bón thúc bằng loại phân hóa học... đều có tác dụng vừa tạo ra năng suất, vừa giữ được sự màu mỡ của đất trồng.

Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, tổng lượng phù sa sông Hồng qua trạm tại Sơn Tây trong giai đoạn 1958 - 1990 là khoảng 115.000 tấn mỗi năm. Lượng phù sa này lớn gấp 5 lần lượng của sông Mê Kông ở lãnh thổ Việt Nam.

Bảo Khánh