KINH TẾ

Sống chung với Covid-19: Vẽ lại bản đồ lao động đáng sợ hơn đứt gãy chuỗi cung ứng

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Đợt dịch Covid-19 thứ 4 đặt Việt Nam trước nguy cơ mất cơ hội đón "sóng" chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng nguy cơ từ thiếu lao động sẽ còn lớn hơn nguy cơ về mất cơ hội đón dòng dịch chuyển đầu tư.

FDI vẫn tăng trưởng trong ngắn hạn

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ KH&ĐT, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh vào 18 ngành trong số 21 ngành kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành sản xuất, phân phối điện thu hút được số lượng dự án mới không nhiều. Nhưng với quy mô dự án lớn, nên đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, tập đoàn vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD. Tập đoàn LG đã đầu tư thêm 1,4 tỷ USD cho dự án tại Hải Phòng. Samsung đã giải ngân toàn bộ 17,5 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam, và đang đẩy nhanh dự án Trung tâm R&D tại Khu đô thị Tây Hồ Tây…

Ngoài ra, mới đây, chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ từ ngày 21 - 24/9, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) Việt Nam theo đoàn đã ký kết một loạt hợp đồng và biên bản ghi nhớ với các đối tác Mỹ trị giá hàng tỷ USD.

Trong đó, T&T Group đã ký kết một loạt hợp đồng và biên bản ghi nhớ với các đối tác Mỹ để hợp tác đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, thu mua nông sản và phân phối độc quyền dược phẩm trị giá trên 3 tỷ USD. Công ty CP Chân Mây LNG ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với các tập đoàn Excelerate Energy, General Electric để phát triển dự án Chân Mây tại Thừa Thiên - Huế trị giá 3,2 tỷ USD…

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, nhận xét dù có những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

"Theo đúng chiến lược của Chính phủ Việt Nam, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới" - ông Choi Joo Ho nói.

Chung quan điểm, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định: “Bấp chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh, cùng một loạt các hiệp định thương mại tự do, sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Nhu cầu hiện tại của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đang phục hồi sẽ mang lại tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản".

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định, giai đoạn 2021 - 2023, dòng vốn FDI tại Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi lại mức như trước Covid-19, do được nâng đỡ bởi xu hướng tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu và nhu cầu đa dạng hóa các nguồn đầu vào sản xuất của nhiều chính phủ và công ty đa quốc gia.

Thiếu lao động mới là... đòn nặng

Những con số thống kê cho thấy tăng trưởng vốn FDI của Việt Nam trong ngắn hạn thể hiện tính tích cực. Tuy nhiên, vấn đề với kinh tế  Việt Nam không thể gói tròn trong sự lạc quan về tăng trưởng FDI ngay trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này.

Đợt địch Covid thứ 4 đã khiến chuỗi sản xuất trong nước bị đứt gãy. Hệ quả là các đơn hàng với đối tác nước ngoài không thể giao đúng hạn. Từ đó tạo ra nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài xem xét tìm hướng sang những thị trường an toàn hơn.

Báo cáo chỉ số môi trường kinh doanh mới công bố gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Có đến 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất của EuroCham đã phải chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác, do các nhà máy tại Việt Nam gặp khó khăn, 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc điều này.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả. Thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, số liệu nêu trên của EuroCham đã cho thấy hệ quả của sự lúng túng, khi dịch kéo dài.

Các mô hình bong bóng sản xuất được tạo ra ở TPHCM và ở các tỉnh khác (như “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”- BT) với kỳ vọng duy trì sản xuất trong thời gian Covid-19 đã không có hiệu quả thực sự. Đặc biệt khi cả các doanh nghiệp trong nước và FDI vốn đã khó khăn về chi phí phát sinh do phải đảm bảo ăn ở cho công nhân, lại lập tức bị gãy đổ sản xuất nếu phát hiện ca dương tính. 

Đứt gãy chuỗi cung ứng và mất đơn hàng quốc tế là rủi ro lớn mà doanh nghiệp không tránh khỏi. Nhưng nguy cơ sau đó còn lớn hơn nhiều. Đó là nguy cơ về lao động.

Cụ thể, tiếp cận nguồn mua văcxin là quyền của doanh nghiệp, nhưng phân phối văcxin lại là quyền của Bộ Y tế. Thực tế này dẫn tới việc các doanh nghiệp dù tự mua vắc xin, thì việc tiêm cho công nhân vẫn bị tiến hành quá chậm, dù là ưu tiên thì vẫn tiến hành sau nhiều đối tượng khác.

Hoảng loạn vì lây nhiễm, chậm tiếp cận văcxin, bị tập trung “3 tại chỗ” quá lâu khiến công nhân bỏ việc hàng loạt. Không có doanh nghiệp nào 100% công nhân bỏ việc, nhưng chỉ 30% bỏ việc cũng khiến dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp bị gãy đổ. 

Thực tế này đặc biệt nguy hiểm với doanh nghiệp Việt Nam, vốn có đặc trưng là trong nước hay là FDI, công nghệ cao hay thương mại, dịch vụ, xuất khẩu hay nội địa... thì đều sử dụng lao động đơn giản ở quy mô rất lớn.  

Cần nhấn mạnh, thiếu lao động vốn đã là khó khăn của doanh nghiệp ngay trong giai đoạn bình thường, lại càng trở nên gay gắt và thực ra đã trở thành yếu tố quyết định đến tồn vong của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.

Bởi với tâm lý sợ dịch, không ít công nhân sẽ chọn cách ở hẳn quê nhà và sống bằng nghề khác, không trở lại nhà máy. Và ngay cả luôn có nguồn mới để bổ sung, thì một doanh nghiệp cho biết, cũng mất không dưới 6 tháng để đào tạo lại công nhân và hoàn thiện dây chuyền sản xuất ở mức cũ. Trong khi đó thì cũng chưa rõ đơn hàng của doanh nghiệp sẽ thế nào.

Nói cách khác, sau tai họa dịch, doanh nghiệp đang đối diện với nguy cơ lớn hơn, đó là thiếu lao động sẽ kéo dài thời gian hồi phục. Doanh nghiệp chậm hồi phục thì khi nào nền kinh tế mới hồi phục tăng trưởng được? 

Quốc Trọng