Dữ liệu y khoa

Sống chung với Covid-19 có thể đối diện với nguy cơ đồng nhiễm virus

  • Tác giả : Khánh Thủy
Bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 có thể gặp nhiều di chứng, dễ mắc các tác nhân gây bệnh khác và chuyển nặng, phổ biến là vi khuẩn phế cầu gây viêm phổi.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tổn thương phổi sau nhiễm Covid-19 là di chứng thường gặp.

Có nhiều mức độ tổn thương khác nhau, nhưng phổ biến nhất là tình trạng viêm phổi, xơ phổi, ảnh hưởng chức năng hô hấp, gây khó khăn trong điều trị, có thể tái nhiễm nhiều lần, thậm chí trở thành nhiễm trùng mạn tính.

Một nghiên cứu cho thấy, có tới 19% bệnh nhân mắc Covid-19 bị đồng mắc với các tác nhân khác và 24% bị bội nhiễm. Nguyên nhân đồng mắc hàng đầu là vi khuẩn trong đó đồng mắc vi khuẩn phế cầu với nCoV đứng thứ 2. Đồng nhiễm viêm phổi do phế cầu và Covid-19 có thể để lại di chứng nặng nề ở hệ thần kinh, gây viêm màng não, tổn thương phổi hoặc tim do nhiễm khuẩn huyết, nhanh chóng tử vong do suy hô hấp.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, những bệnh nhân sau khi khỏi bệnh Covid-19, có thể phải trải qua những triệu chứng hậu Covid-19 khiến cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch bị ảnh hưởng. Việc mắc bất kỳ một tác nhân gây bệnh nào khác trong giai đoạn này đều khiến sức khỏe trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là vi khuẩn phế cầu với nhiều týp khác nhau.

Theo BS Chính, phế cầu khuẩn ảnh hưởng đến phổi không kém Covid-19. Vi khuẩn phế cầu thường trú ở vùng mũi họng của khoảng 30% người khỏe mạnh. Một số người có nguy cơ cao bị phế cầu khuẩn xâm nhập, gây bệnh như trẻ dưới 5 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, người nghiện rượu, người hút thuốc lá, người bị các bệnh phổi mạn tính, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Sau khi khỏi bệnh Covid-19, khi hệ miễn dịch suy yếu cũng là lúc phế cầu khuẩn dễ dàng xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể người.

Hiện nay Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang xem xét đưa Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu (tác nhân gây bệnh tồn tại thường xuyên, tỷ lệ mắc ổn định, có thể dự báo). Sống chung với Covid-19 nghĩa là có thể đối diện với nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn với Covid-19 khiến phổi cùng lúc bị nhiều tổn thương. Vì vậy, ngoài văcxin ngừa Covid-19, tiêm văcxin ngừa phế cầu khuẩn, ngừa virus cúm là "lựa chọn kép" góp phần giúp bảo vệ phổi.

Khánh Thủy