KINH TẾ

Sôi động thị trường thương mại điện tử mùa cuối năm

  • Tác giả : Phạm Huy
Hầu hết khách săn sale (hàng giảm giá) trong lễ hội mua sắm dịp 12-12 đều xem đây là dịp để sắm Tết sớm, vì thế các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, điện máy, đồ dùng chăm sóc nhà cửa... nằm trong tốp bán chạy.

Các sàn thương mại điện tử đều tung những chương trình khuyến mãi, rất nhiều mã giảm giá trong những ngày cuối năm để kích cầu tiêu dùng, kích thích sức mua. Đặc biệt là ngày 12-12 vừa qua là đợt khuyến mãi lớn cuối cùng trong năm 2022 của các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,… Vì thế không chỉ nhà bán hàng mà cả người tiêu dùng cũng chờ đợi sự bùng nổ trong dịp này để săn sale.

Các sàn thương mại điện tử vẫn tiếp tục mạnh tay cho khuyến mãi để thu hút thêm khách hàng (Ảnh: P.Huy)

Các sàn thương mại điện tử vẫn tiếp tục mạnh tay cho khuyến mãi để thu hút thêm khách hàng (Ảnh: P.Huy)

Đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho biết, thống kê nhanh của nền tảng này cho thấy lượng truy cập trong hai giờ đầu tiên của ngày 12-12 trên sàn tăng gấp 8 lần so với ngày thường.

Danh mục ngành hàng được người dùng ưu tiên mua sắm là sắc đẹp và thời trang nữ. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm các sản phẩm dưỡng da tăng gấp 9 lần, sản phẩm trang điểm cũng được người dùng yêu thích với số lượng đặt mua tăng 13 lần.

"Đối thủ" của Shopee là sàn Lazada "chốt" mùa lễ hội mua sắm 12-12 cuối năm bằng "Tiệc Sale bung xõa" diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14-12 với hàng triệu sản phẩm có mức giảm giá khủng đến 90%, mua 1 tặng 1.

Hàng hóa ngập tràn tại các đơn vị vận chuyển sau ngày siêu sale 12/12 của các sàn thương mại điện tử.(Ảnh: P.Huy)

Hàng hóa ngập tràn tại các đơn vị vận chuyển sau ngày siêu sale 12/12 của các sàn thương mại điện tử.(Ảnh: P.Huy)

Một số người mua hàng cho biết trái với tình hình năm trước, tốc độ xử lý các đơn hàng mua trong dịp lễ hội này khá nhanh, có những đơn hàng được giao ngay trong ngày. Tình trạng treo đơn hàng, thất lạc của những năm trước ít xảy ra.

Ghi nhận chung, các mặt hàng mua sắm trong đợt này đều tập trung vào sắm sửa cho Tết như quần áo thời trang, dụng cụ nhà bếp...; hàng xa xỉ có xu hướng giảm nhẹ.

Đánh giá về sức mua trong mùa mua sắm lễ hội cuối năm, các sàn thương mại điện tử nhìn nhận, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn trong mua sắm hàng hóa và ưu tiên chọn mua những mặt hàng không có khuyến mãi trên kênh trực tiếp.

Tốc độ xử lý các đơn hàng mua trong dịp lễ hội này khá nhanh, có những đơn hàng được giao ngay trong ngày.(Ảnh: P.Huy)

Tốc độ xử lý các đơn hàng mua trong dịp lễ hội này khá nhanh, có những đơn hàng được giao ngay trong ngày.(Ảnh: P.Huy)

Cách người tiêu dùng Việt mua sắm đã có thay đổi lớn với việc các kênh trực tuyến đóng vai trò ngày càng lớn trong từng chặng của hành trình mua sắm, bao gồm Khám phá, Đánh giá và Mua hàng, thể hiện qua tỷ lệ sử dụng kênh trực tuyến tương ứng trong từng chặng lên tới 81%, 84% và 56%, tức là cao hơn hẳn tỷ lệ sử dụng các kênh trực tiếp.

Bên cạnh đó, số danh mục hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến đã tăng 50%, số gian hàng online được mua cũng tăng 40%, kéo theo mức tăng 1,5 lần tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên cả nước so với năm 2020.

Mặc dù thống kê cho thấy doanh thu trong dịp này tăng so với ngày thường nhưng các sàn thương mại điện tử đều thừa nhận sức mua đang đối mặt nhiều thách thức do suy thoái kinh tế, lạm phát ảnh hưởng đến túi tiền của người dân, đặc biệt là năm nay, khoảng cách giữa Tết dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau

Phạm Huy