Y học và đời sống

Sỏi do nhiễm khuẩn

  • Tác giả : Khánh Thủy (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Sỏi do nhiễm khuẩn (sỏi magnesium ammonium phosphat) còn gọi là sỏi struvit (MgNH4PO4.6H2O) chiếm từ 5 - 15% các loại sỏi. Sỏi thường có kích thước to, hình san hô, màu trắng ngà, rắn, cản quang.

Hỏi: Em mắc sỏi struvit do nhiễm khuẩn, xin bác sĩ cho biết, tại sao chỉ nhiễm khuẩn mà lại hình thành sỏi? Bệnh này có phổ biến không?

Thái Lữ (Tây Hồ, Hà Nội)

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, Bệnh viện Quân y 103: Sỏi do nhiễm khuẩn (sỏi magnesium ammonium phosphat) còn gọi là sỏi struvit (MgNH4PO4.6H2O) chiếm từ 5 - 15% các loại sỏi. Sỏi thường có kích thước to, hình san hô, màu trắng ngà, rắn, cản quang. Tỷ lệ bệnh gặp ở nữ gấp 2 lần nam giới. Không phải tất cả các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu đều có nguy cơ tạo sỏi. Chỉ một số vi khuẩn có khả năng phân hủy ure để tạo ra ammonium, bicarbonat và ion hydroxyl, cùng với kiềm hóa nước tiểu mới có nguy cơ tạo sỏi. Các vi khuẩn đó là Escherichia Coli, Proteus, Krebsiella, Streptococcus, Staphylococcus, Pseudomonas.

Sỏi do nhiễm khuẩn thường là magnesium ammonium phosphat có hoặc không có canxi phosphat, carbonat apatit, canxi carbonat và ammonium hydrogen urat thêm vào. Canxi carbonat chỉ hình thành khi pH nước tiểu trên 7,8; amonium hydrogen urat chỉ được tạo thành khi có mặt cả vi khuẩn phân giải ure và axit uric niệu cao. Các chất nền mucoid thường gặp trong nhiễm khuẩn có thể có vai trò tạo sỏi và làm sỏi to lên nhanh. Nếu hiểu một cách đơn giản, sỏi struvit hình thành do nhiễm khuẩn lâu dài đường niệu. Vi khuẩn giải phóng men urease, men này phân giải ure thành amoniac, làm nước tiểu bị kiềm hóa, dẫn tới giảm hòa tan struvit tạo điều kiện hình thành sỏi.

Khánh Thủy (ghi)