Từ nhà đến trường

Sinh viên gặp nhiều "trục trặc" tâm lý vì Covid-19 và giãn cách xã hội

  • Tác giả : An Quý
37.000 sinh viên cho thấy có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và áp lực khi học trực tuyến trong đại dịch Covid-19.
sinh-vien-lam-them.jpg
Sinh viên khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM, hỗ trợ công tác nhập liệu bệnh nhân Covid-19.

ĐH Quốc gia TPHCM vừa công bố kết quả nghiên cứu về sự tác động của Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên. Khảo sát được tiến hành từ ngày 18 - 25/10 trên nền tảng trực tuyến với 37.000 sinh viên đang theo học tại ĐH Quốc gia TPHCM.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, rối loạn giấc ngủ và thiếu định hướng trong học tập và cuộc sống là những vấn đề phổ biến ở một bộ phận sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM trong thời gian dịch bệnh bên cạnh những vấn đề về hành vi và sức khỏe khác.

Trong các áp lực tâm lý, lo lắng về học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%) với nhiều lý do, như: Trang thiết bị, căng thẳng liên quan đến đại dịch, mất đi nề nếp của trường học...

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đã đặc biệt lo lắng về sự an toàn khi phải sống trong môi trường, hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy hiểm.

sinh-vien-thuc-hanh.jpg
Học trực tuyến khiến hơn 65% sinh viên lo lắng vì áp lực  trang thiết bị, căng thẳng liên quan đến đại dịch, mất đi nề nếp của trường học, chất lượng... Ảnh tư liệu: Sinh viên được học trực tiếp với giảng viên. 

Ngoài ra, còn nhiều áp lực khác khiến sinh viên lo lắng như học phí (58,9%); mâu thuẫn với gia đình trong vấn đề thấu hiểu nhau (27,7%) làm việc quá sức (27,1%).

Những áp lực đó đã khiến đa số sinh viên, chiếm đến 56,8%, không còn hứng thú trong học tập, 56,2% bị rối loạn giấc ngủ dẫn đến mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.

48% sinh viên thừa nhận sự tự ti, thiếu sót và mơ hồ về mục đích sống trong thời gian dịch bệnh. 19.443 sinh viên (chiếm 52,3%) lựa chọn “không làm việc vì không có nhu cầu” và có 4.681 (12,6%) sinh viên “chưa từng nghĩ đến tìm việc làm”.

Ngoài rối loạn lo âu, nhiều vấn đề không tích cực liên quan đến sức khỏe tâm thần ở nhóm người trẻ như mất nhận thức thoáng qua, hay quên, có hành vi vô thức.

sinh-vien.jpg
Covid-19 đã làm trầm trọng hơn những vấn đề và áp lực tâm thần ở sinh viên. Nhiều thanh niên trẻ bất an vì môi trường sống không an toàn, thiếu những tương tác trực tiếp. Ảnh tư liệu 

Tính tình thay đổi hoặc trở nên cáu gắt, hoặc trở nên buồn rầu, lo lắng không rõ lý do. Nhiều sinh viên thậm chí gặp trở ngại tiếp xúc với người khác (kể cả người thân), gia tăng đều theo năm học của sinh viên từ năm 1 tới năm 6.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên nhóm nghiên cứu, Covid-19 đã làm trầm trọng hơn những vấn đề và áp lực tâm thần ở sinh viên.

Những biện pháp hỗ trợ, đặc biệt tăng cường giao lưu và các hoạt động tương tác là cần thiết, đặc biệt trong thời gian học trực tuyến. Triển khai nhiều chương trình học thuật giúp sinh viên học tập và rèn luyện kỹ năng mềm như tập thể dục, nấu ăn, chơi nhạc cụ.

Tất cả để giúp sinh viên hòa nhập, giảm thiểu tác động xấu lên sức khỏe tâm thần do Covid-19 và giãn cách xã hội gây ra.

Những sinh viên nữ, sinh viên gặp khó khăn về tài chính hay những sinh viên có cha mẹ mất vì Covid-19 là những đối tượng cần được trợ giúp nhất về mặt tâm thần.

Sinh viên cần được khuyến khích tham gia các hoạt động cộng đồng để khắc phục và giảm thiểu các hậu quả tâm thần do đại dịch Covid-19 gây ra.

An Quý