Địa ốc

Siết tín dụng, hàng trăm doanh nghiệp bất động sản giải thể, ngừng hoạt động

  • Tác giả : Nhã Linh
(khoahocdoisong.vn) - Báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh năm 2019 của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT) cho thấy, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%. Đáng chú ý, các ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất cũng là kinh doanh bất động sản, với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4% so với năm 2018. Đặc biệt, trong năm 2019 không xuất hiện doanh nghiệp thành lập mới trong nhóm bất động sản.

Theo đó, trong năm 2019, có 28.731 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 5,9%), 43.711 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 41,7%), 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,2%). Trung bình mỗi tháng có 7.440 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, số 28.731 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 01 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%. Đáng chú ý, các ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất cũng là kinh doanh bất động sản với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Đa số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam vừa và nhỏ hiện nay phát triển chủ yếu dựa trên vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động và giải thể gia tăng đã được dự đoán từ trước bởi khó khăn từ thị trường như việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng vào bất động sản sẽ ngày càng eo hẹp sau khi Ngân hàng Nhà nước mới đây ban hành thông tư 22.

Trong đó giảm tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30%, lộ trình từ 2020 đến 2022. Động thái này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng như phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãi suất phát hành trái phiếu DN khá cao, trên 10%/năm, có DN BĐS huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất 14,5%/năm đã bị các cơ quan quản lý cảnh báo.

Trên thực tế, thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận những con số sụt giảm về nguồn cung và lượng giao dịch trong đó có phần tác động lớn từ chính sách giảm tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước.

Nhã Linh