Dữ liệu y khoa

Rụng tóc vì rối loạn tâm lý hay thừa nội tiết tố nam

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) vừa tiếp nhận điều trị hai ca rụng tóc, một là bệnh nhi 8 tuổi, một là bệnh nhân nữ 21 tuổi. Rụng tóc gây hói đầu thường có nguyên nhân di truyền liên quan đến nội tiết tố nam androgen hoặc do bất ổn về tâm lý.
Hầu hết mọi người mất khoảng 50 - 100 sợi tóc mỗi ngày, nhưng rụng nhiều hơn thế có thể là dấu hiệu cảnh báo sự bất ổn về sức khỏe.

Hầu hết mọi người mất khoảng 50 - 100 sợi tóc mỗi ngày, nhưng rụng nhiều hơn thế có thể là dấu hiệu cảnh báo sự bất ổn về sức khỏe.  

Rụng tóc do di truyền liên quan đến nội tiết tố

Bệnh nhân Trịnh T.N.T. (21 tuổi, quận 7) chia sẻ, mỗi lần gội đầu hoặc chải đầu, tóc bị rụng nhiều, đôi lúc ngứa đầu, gãi cũng bật cả chân tóc, vảy trắng khắp đầu sau mỗi lần gội.

Rụng tóc do nguyên nhân di truyền liên quan đến nội tiết tố, ở nam, các sợi tóc mỏng và rụng dần từ vùng trán - thái dương đến vùng đỉnh. Ở nữ, rụng tóc chỉ tại vùng đỉnh và chừa vùng trán - thái dương. Rụng tóc ở nữ còn có thể gặp trên những đối tượng như sau khi sinh, sau vài tháng ngưng dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế nội tiết tố, hay trong thời kỳ mãn kinh.

Theo TS.BS Lê Thái Vân Thanh, các sợi tóc mỏng và rụng dần, thường trên da đầu có dầu, diễn tiến rất chậm, kín đáo. Diễn tiến càng về sau vùng da đầu tại các vị trí tóc bị rụng càng trở nên bóng láng, không còn lỗ chân tóc. 

Ở phụ nữ bị rụng hói đầu, nếu kèm rậm lông, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, mụn trứng cá nặng, thể trạng dễ thừa cân - béo phì… thì đa số là do rối loạn nội tiết tố trong hội chứng cường androgen. Hội chứng này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân như buồng trứng đa nang, u hoặc tăng sản tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, một số thuốc uống như thuốc chống động kinh, kháng insulin nặng…

Tâm lý bị “chèn ép” khiến tự làm tổn thương gây rụng tóc

Còn bệnh nhân Nguyễn T. N.U. (8 tuổi, quận 1) được ba mẹ đưa đi khám vì tóc rụng nhiều, ở trước trán và hai bên gáy. Mặc dù tóc của bé bắt đầu mọc lại nhưng rất chậm.

Bé N.U. cho biết: “Con ngồi cạnh một bạn trai, bạn ấy thường xuyên đẩy tay khiến con viết chữ xấu. Bạn ấy cũng rất thích đánh nhau. Con không thích ngồi cạnh bạn ấy”.

Rụng tóc ở trẻ nhỏ thường do rối loạn tâm lý khi trẻ liên tục tự nhổ tóc ra.

Rụng tóc ở trẻ nhỏ thường do rối loạn tâm lý khi trẻ liên tục tự nhổ tóc ra.

Theo TS.BS Lê Thái Vân Thanh, trường hợp này rụng tóc có thể do rối loạn tâm lý (Trichotillomania) trong đó người bệnh, đặc biệt là trẻ em, liên tục nhổ tóc ra, thường để lại những mảng rụng tóc lởm chởm nhưng còn chân tóc “khỏe”. Rối loạn này có thể để lại các khu vực mất tóc và tóc hư tổn có độ dài khác nhau. Những người mắc bệnh trichotillomania thường cần sự giúp đỡ từ bác sĩ trị liệu hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần - tâm lý trước khi bệnh nhân ngừng tự nhổ tóc chính mình.

Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý những lời tâm sự của trẻ vì có thể trẻ không ý thức được việc trẻ đang gặp các rối loạn về mặt tâm lý và không biết giải tỏa như thế nào. Như trường hợp bệnh nhi nói trên, ngoài việc tự nhổ tóc, qua thăm khám, còn nhận thấy bé thường xuyên cắn móng tay. 

Hạn chế rụng tóc

Không thể phòng tránh tận gốc chứng rụng tóc gây hói đầu. Tuy nhiên, chúng ta có thể chú ý những động tác giúp hạn chế rụng tóc với những bí quyết sau:

- Gội đầu: Dùng dầu gội nhẹ, êm dịu 2 - 3 lần/tuần, dầu gội trị gàu thích hợp khi có gàu, dầu gội dành cho da nhờn khi có mụn đỏ trên da đầu và tăng số lần gội trong tuần lên cho đến khi tình trạng da bình thường lại, không thay đổi nhiều loại dầu gội khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn.

- Massage da đầu hàng ngày nhẹ nhàng, bằng lược răng thưa hoặc các phần mô mềm đầu ngón tay.

- Không nên nhuộm, uốn tóc, tránh những kiểu tóc gây căng da đầu và chân tóc trong thời gian dài. Việc lạm dụng các tạo kiểu tóc như nhuộm tóc, thuốc tẩy tóc, duỗi thẳng hoặc uốn tóc đều có thể gây tổn thương cho chân tóc khiến tóc bị gãy hoặc rụng tạm thời. Điều tương tự có thể xảy ra khi sử dụng quá nhiều nhiệt trên tóc (như sử dụng sấy khô nóng tóc hoặc máy tạo kiểu tóc tạm thời bằng nhiệt).

- Chú ý chế độ ăn: Chế độ ăn có vai trò 25% trong phục hồi tóc rụng đối với người trẻ. Đặc biệt trên phụ nữ, 20% dễ bị thiếu sắt do kinh nguyệt, khiến tóc dễ rụng hơn. Các chất cần thiết cho tóc là sắt, kẽm, đồng, biotin, đạm… và các vitamin. Các dưỡng chất tốt cho tóc có thể được cung cấp qua chế độ ăn hoặc thuốc uống.

Một số thanh thiếu niên có chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt cũng thường bị rụng tóc vì không đủ protein từ các nguồn dinh dưỡng không phải thịt. Và một số vận động viên có nguy cơ rụng tóc cao hơn vì họ có thể dễ bị thiếu máu do thiếu sắt…

- Đối với những trường hợp bị rụng tóc do nấm da đầu, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe tóc.

- Rụng tóc do nguyên nhân di truyền liên quan đến rối loạn nội tiết tố nam androgen, bệnh nhân cần phải ngừng hẳn các món ngọt, không sử dụng sữa tươi và các thực phẩm được chế biến từ sữa tươi.

An Quý