Tư vấn

Phòng tránh bạch tuộc cắn khi tắm biển

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Bạch tuộc thân mềm lại khá nhỏ nên nhiều người chủ quan. Thực tế có những loài bạch tuộc chứa độc tố gây tê liệt thần kinh.

Bạch tuộc thân mềm lại khá nhỏ nên nhiều người chủ quan. Thực tế có những loài bạch tuộc chứa độc tố gây tê liệt thần kinh.

GS Mai Đình Yên, Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết, đã có trường hợp người bị bạch tuộc cắn tử vong ở Việt Nam. Loài bạch tuộc có độc tố tetrodotoxin - tương đương chất độc ở cá nóc là bạch tuộc xanh, hay còn gọi là bạch tuộc đốm xanh. Chất độc sẽ theo đường máu gây tê liệt hệ thần kinh, sau đó làm trụy tim nên nguy cơ tử vong rất cao.

Vào thời điểm tháng 7 tháng 8, bạch tuộc xuất hiện nhiều. Nếu là con nhỏ thì vết cắn sẽ đau rát, thậm chí có thể mưng mủ nhưng vẫn tự khỏi. Về cơ bản thì thành phần độc tố của chúng có thể giống cá nóc, nhưng cụ thể các chất có trong đó ra sao thì ở Việt Nam hiện chưa có đề tài nghiên cứu khoa học bài bản nào về vấn đề này.

Theo GS Mai Đình Yên, bạch tuộc đốm xanh sống ở tầng nước rất sâu nên gần như không có khả năng chúng tấn công du khách tắm biển. Những trường hợp bị bạch tuộc cắn đều là ngư dân đang trong quá trình khai thác hải sản. Do đó, người tắm biển có thể yên tâm loại bỏ khả năng bị bạch tuộc cắn. Tuy nhiên, với sự thay đổi của khí hậu ngày nay thì việc trang bị những kiến thức phòng tránh là rất cần thiết. Hiện không có cách nào để phòng tránh bị bạch tuộc tấn công, nên nếu gặp bạch tuộc xanh thì chỉ có cách tránh xa.

Hà Bình