Trong nước

Phạt tới 100 triệu đồng vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán

  • Tác giả : Mai Loan
Chiều 16/3, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo, công bố lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước.
Về đối tượng bị xử phạt, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước quy định rất rõ.
Theo đó, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Phat toi 100 trieu dong vi pham trong linh vuc kiem toan
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tại buổi Họp báo.

Cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ông Vinh cho biết, hành vi vi phạm được xác định căn cứ vào quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động Kiểm toán Nhà nước, bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán quy định tại Điều 68, Luật Kiểm toán Nhà nước.

Về hình thức xử phạt, có hai mức phạt cảnh cáo và phạt tiền. Biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm.

Pháp lệnh quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước của cá nhân là 50 triệu đồng, còn đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có).

Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2023.

Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) nói về việc Thanh tra Chính phủ chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ của 7 bộ ngành để xác minh tài sản". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan