Giáo dục

Phát huy sáng kiến và hành động của các kỹ sư

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Hội nghị lần thứ 38 của Liên đoàn các Tổ chức Kỹ sư ASEAN (CAFEO38) được tổ chức từ ngày 18 – 26/11/2020 với chủ đề: “Phát huy sáng kiến và Hành động của Liên đoàn Kỹ sư ASEAN trong xây dựng cộng đồng ASEAN Bền vững và Thịnh vượng”.

Diễn đàn của các kỹ sư chuyên nghiệp

Từ ngày 18 - 26/11/2020 tại Hà Nội, Hội nghị thường niên Liên đoàn các Tổ chức Kỹ sư các nước Đông Nam Á lần thứ 38 (CAFEO 38) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đăng cai tổ chức với sự tham dự của 10 nước. Tại phiên khai mạc ngày 25/11, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu khai mạc. Đây là hoạt động thường niên của Liên đoàn các Tổ chức kỹ sư ASEAN (AFEO) được tổ chức theo chế độ luân phiên mỗi năm tại một quốc gia. Năm 2020 VUSTA tiếp tục đảm nhận vai trò Chủ tịch AFEO và đăng cai tổ chức hội nghị CAFEO 38 tại Việt Nam.

Hội nghị CAFEO 37.

Hội nghị CAFEO 37.

Chương trình nhằm tiếp tục khẳng định cam kết của AFEO về Phát triển bền vững bằng cách củng cố vai trò nòng cốt của các kỹ sư nhằm thúc đẩy phát triển bền vững; khởi xướng các chương trình từ giao lưu, trao đổi sinh viên đến các kỹ sư nhằm chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, tạo điều kiện cho việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và tư duy kinh doanh để thúc đẩy kết nối, công bằng và thịnh vượng của ASEAN.

Tại Hội nghị, các vấn đề nóng của khu vực liên quan đến hoạt động của Tổ chức sẽ được đề cập đến như: Thúc đẩy vai trò của đội ngũ nhân lực kỹ thuật trong xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững, đa dạng và chủ động thích ứng cao; Đổi mới hoạt động giáo dục, đào tạo và đào tạo liên tục kỹ sư và lao động kỹ thuật trình độ cao trong ASEAN, đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bền vững; Công nghệ mới, công nghệ thông minh ứng dụng trong ngành năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, công nghệ xanh bảo vệ môi trường, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai vì một ASEAN tự cường; Giải pháp công nghệ và quản lý trong kết nối cơ sở hạ tầng thông tin, năng lượng và giao thông lấy con người làm trung tâm.

Việt Nam cần có luật cho kỹ sư chuyên nghiệp

Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị có ban hành Chỉ thị 42–CT/TW ngày 24/3/2010 về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ngay sau đó, Ban Bí thư có Thông báo số 353 yêu cầu các cơ quan hữu quan phải nghiên cứu, ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, cùng Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, mục tiêu chính của luật này là xây dựng  khuôn khổ pháp lý để chúng ta triển khai xây dựng  đội ngũ kỹ sư có tính chất chuyên nghiệp. Ngoài việc đào tạo ở các cơ sở đào tạo theo nghề kỹ sư, muốn trở thành kỹ sư chuyên nghiệp, họ phải liên tục cập nhật những kiến thức không những về chuyên môn mà cả kiến thức về pháp luật và cả về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Xây dựng đội ngũ kỹ sư một cách chính quy đồng thời cũng đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật cao một cách ổn định.

Năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp.

Năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp.

“Ở Việt Nam lao động chúng ta năng suất thấp hơn nhiều so với thế giới. Vấn đề năng suất, chất lượng lao động, tính cạnh tranh của lao động và sản phẩm phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ kỹ sư không chỉ bao gồm những người làm về cơ khí hay những hoạt động cụ thể như xây dựng công trình mà bao gồm cả những lĩnh vực như công nghệ thông tin; lĩnh vực tự động hóa; lĩnh vực công nghệ cao... cho nên chúng ta có được đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp trình độ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta sẽ có năng suất và chất lượng lao động, sức cạnh tranh về lao động cũng như sản phẩm của chúng ta sẽ vươn xứng tầm thời đại ngày nay; nâng cao vị thế nền kinh tế của Việt Nam”, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho hay.

Theo TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA, hầu hết các quốc gia đều có luật về hành nghề kỹ sư tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế nêu trên để tạo điều kiện cho kỹ sư trong nước hội nhập. Việt Nam cần sớm tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hành nghề kỹ sư của Việt Nam, tạo điều kiện cho công tác quản lý, giám sát của nhà nước về hoạt động hành nghề, chuẩn hóa các tiêu chuẩn nghề nghiệp kỹ sư phù hợp với thông lệ quốc tế, và sự tham gia chủ động hơn của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội vào quá trình đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam nói riêng cũng như của nền kinh tế nói chung.

Hà Bình