Vusta News

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng: "Đôi khi bác sĩ bỏ việc không phải chỉ vì lương"

  • Tác giả : Mai Loan
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ĐBQH đoàn Thái Nguyên chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn tới y, bác sĩ bỏ việc, không phải chỉ vì lương.
Bác sĩ bỏ việc không phải chỉ vì lương
Việc nhiều y bác sĩ bỏ việc ở bệnh viện công hoặc chuyển sang khu vực tư nhân đang “nóng” dư luận và nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Là đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là giám đốc bệnh viện, theo ông, nguyên nhân nào đã khiến các y, bác sĩ bỏ việc như vậy, thưa PGS.TS Nguyễn Công Hoàng?
PGS.TS Nguyen Cong Hoang:
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ĐBQH đoàn Thái Nguyên trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Trong thời điểm này, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân khiến y, bác sĩ bỏ việc, nhất là ở những khu vực có mức sống cao lại càng có tỉ lệ bỏ việc nhiều hơn ở vùng nông thôn. Lý do là vì mức sống không đủ.
Một trong những vấn đề được cử tri và đặc biệt các cán bộ y tế rất quan tâm là vấn đề về lương và mức sống của cán bộ nhân viên y tế. Lần này, khi chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở, đặc biệt là lương cho cán bộ y tế là hết sức kịp thời, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, ở đây có hai vấn đề cần được nói đến, đó là mức lương và môi trường làm việc, cống hiến. Cả hai yếu tố này, chúng ta đều phải đáp ứng được mong muốn của người lao động. Trong đó, đảm bảo về lương để đảm bảo mức sống cho nhân viên y tế. Còn môi trường làm việc để họ có thể thể hiện được năng lực của mình.
Ngoài lương, cũng còn nhiều vấn đề mà nhân viên ở hệ thống y tế công lập mong muốn. Sẽ phải có những mổ xẻ thêm.
Vì sao ông lại nhấn mạnh đến môi trường làm việc, thưa ông?
Từ thực tế, tôi thấy, đôi khi khi người ta bỏ việc không phải vì lương, mà vì môi trường làm việc, trong đó có điều kiện học tập. Chẳng hạn, một số bệnh viện hiện nay thiếu nguồn lực, nhưng theo yêu cầu của Luật, bên bảo hiểm không cho phép thiếu nguồn lực để đáp ứng được số giường bệnh.
Để đạt được yêu cầu điều đó, lãnh đạo các bệnh viện không cho cán bộ đi học bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, thay vào đó sẽ học ở các lớp đào tạo tại chỗ. Các lớp đào tạo tại chỗ hiện mở rất nhiều, tuy nhiên, đào tạo tại chỗ thì hiệu quả sẽ không bao giờ cao. Khi không được đi học, nhân viên y tế sẽ cảm thấy không có cơ hội phát triển.
Trong khi đó, đối với ngành y, các y bác sĩ luôn có nhu cầu được học nâng cao, được phát triển, cống hiến. Như vậy, ở đây, lương chỉ là một trong những vấn đề khiến nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công. Họ muốn tìm một môi trường mới để phát triển hơn.
Lãnh đạo phải có cơ chế tốt giữ chân nhân viên
Làn sóng nhân viên y tế dữ dội trên cả nước khiến dư luận chú ý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, kể cả sang bệnh viện tư nhân thì họ vẫn cống hiến cho ngành y. Quan điểm của ông thế nào?
Nhiều người cho rằng, việc bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư không phải là chảy máu chất xám. Tuy nhiên, theo tôi, đây là vấn đề cần phải suy nghĩ. Bởi mục tiêu của các bệnh viện công lập là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Còn các bệnh viện tư nhân, thì ngoài sự cống hiến, mục tiêu của họ còn là lợi nhuận. Và ở bệnh viện công lập có nhiều điều kiện để bác sĩ có thể pát triển về chuyên môn khoa học kỹ thuật.
Vậy để tránh việc “chảy máu chất xám” như vậy, theo ông phải làm gì?
Đây là một vấn đề sẽ phải nói rất dài, có điều kiện tôi sẽ phân tích sâu. Theo tôi được biết, hiện nay, ở các đơn vị y tế công lập không phải đơn vị nào cũng chảy máu chất xám. Chẳng hạn ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, không có chuyện y bác sĩ bỏ việc. Điều này, như tôi đã nói, cần phải đảm bảo hai yếu tố, cả về mức lương cơ bản và môi trường làm việc. Ngoài ra, đặc biệt người lãnh đạo phải có những cơ chế tốt để giữ chân cán bộ, nhân viên y tế.
Cũng như một con chim rời tổ không chỉ là vì thiếu thức ăn, mà do nhiều nguyên nhân khác. Cho nên, tôi cho rằng, mỗi một bệnh viện có hiện tượng “chảy máu chất xám” thì đều có nguyên nhân riêng, ngoài nguyên nhân chung. Chẳng hạn có những bệnh viện lớn nhân viên y tế vẫn bỏ việc, vậy thì vì đâu? Mỗi một đơn vị khi để xảy ra sự việc cần tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân, chứ nếu đánh đồng thì không được.
Trân trọng cảm ơn ông!
3 vấn đề trăn trở

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng sinh năm 1974 tại Thái Nguyên. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Tiến sĩ chuyên ngành Vệ sinh xã hội học và Tổ chức y tế. Ông hiện đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Với vai trò của người Đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Hoàng cho biết, có 3 vấn đề ông rất trăn trở, đó là: Y tế cơ sở; chế độ chính sách đối với cán bộ làm y tế cơ sở và làm thế nào để cán bộ y tế không bị chảy máu chất xám? Thực tế hiện nay, y tế cơ sở đang bị chia nhỏ ở các đơn vị phường, xã; chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở quá thấp; việc giữ chân cán bộ giỏi, được đào tạo chuyên môn ở các cơ sở y tế công lập đang gặp nhiều khó khăn, nhiều cán bộ xin nghỉ hoặc chuyển công tác.

Trong kỳ họp này, ông sẽ sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế và các Ngành về việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cho phù hợp để ngành Y tế làm đúng chức năng, nhiệm vụ đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Mời quý đọc giả xem video: "Talk: Bác sĩ 9x cạo trọc đầu vào tâm dịch: Ai cũng lo sợ thì ai chống dịch". Nguồn: VTV24.


Mai Loan