Dữ liệu y khoa

Nóng: Máy sấy móng tay nguy cơ gây ung thư da?

  • Tác giả : Thúy Nga
Bức xạ tia cực tím từ máy sấy móng tay khi sơn gel có thể làm tổn thương ADN, dẫn đến đột biến gây ung thư, đồng thời các chất trong sơn cũng dễ gây tổn thương móng, mắt và các vùng da khác của cơ thể…

Đây là nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học California ở San Diego. Theo đó, bức xạ phát ra từ máy sấy móng tay bằng tia cực tím (UV) để làm khô gel - có thể làm hỏng vật liệu tế bào và di truyền; thậm chí có thể gây đột biến vĩnh viễn trong tế bào người liên quan đến nguy cơ ung thư.

Độc, hại tia UV từ máy sấy móng, giường tắm nắng

Phân tích về vấn đề này, ThS.BS Hoàng Văn Tâm, Giảng viên khoa Da liễu, trường đại học Y Hà Nội cho biết, máy chiếu UV để sấy khô gel làm móng cần sử dụng tia cực tím để làm khô. Về bản chất tia UV sử dụng trong máy này không khác gì với tia UV được sử dụng trong giường tắm nắng. Máy được sử dụng nhiều bóng đèn phát ra bước sóng UV từ 280-400nm.

Máy sấy móng tay UV sử dụng phổ ánh sáng UV
Máy sấy móng tay UV sử dụng phổ ánh sáng UV

Theo ThS.BS Hoàng Văn Tâm, tia UV được coi là hung thủ gây ra lão hóa và ung thư da. Tia UV sẽ có 3 loại là tia UVA, UVB và UVC.

Với tia UVA (tia tử ngoại A), bước sóng từ 380 - 315nm, có khả năng thâm nhập vào lớp trung bì của làn da, phá hủy các collagen khiến làn da nhanh chóng lão hóa và xuất hiện các hư tổn khác trên da, thậm chí là ung thư da. Tia UVA có thể xuyên qua mây mù, không khí.

Tia UVB (tia tử ngoại B) có bước sóng từ 315 - 280nm, khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển, gây say nắng, bỏng nắng.

Tia UVC (tia tử ngoại C) phát bước sóng từ 280 - 100nm, là dạng bước sóng ngắn, năng lượng cao nhất, gây ung thư da.

Đang dùng thuốc… hạn chế sơn móng

Tránh dùng máy sấy móng tay UV nếu đang sử dụng một số loại thuốc hoặc chất bổ sung khiến cơ thể nhạy cảm hơn với tia UV, như kháng sinh, thuốc tránh thai, estrogen... Cũng nên loại bỏ mỹ phẩm, nước hoa và các sản phẩm chăm sóc da trước khi sử dụng máy sấy móng tay và thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15 khi dùng máy sấy móng tay UV”

ThS.BS Hoàng Văn Tâm, Giảng viên khoa Da liễu, trường đại học Y Hà Nội

Trong nghiên cứu tại Đại học California ở San Diego dùng tia cực tím chiếu trực tiếp vào tế bào da người và chuột ở trên đĩa trong vòng 20 phút và chiếu liên tiếp 3 lần. Kết quả khiến 65-70% tế bào chết đi. Số tế bào còn lại cũng bị tổn thương ADN, gây các đột biến mà diễn tiến có thể dẫn đến ung thư da.

Theo ThS.BS Tâm, nghiên cứu này tiến hành chiếu trực tiếp tia cực tím vào tế bào ở trên đĩa nghiên cứu nên tế bào rất dễ bị tổn thương. Điều này sẽ khác nhiều so với khi chiếu vào tay của người nơi mà chúng ta được bảo vệ bởi các tế bào sừng và các tế bào hắc tố chứa các hạt melanin. Các hạt này sẽ hấp thụ phần lớn tia cực tím để bảo vệ ADN của tế bào. Vì vậy, khi chiếu vào tay người làm móng cần chiếu trong thời gian dài và với liều chiếu cao nguy cơ ung thư da mới tăng lên.

“Sau khi có thông tin về nghiên cứu trên có nhiều bệnh nhân đang điều trị bệnh da liễu bằng tia cực tím lo lắng về nguy cơ ung thư da của mình. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc tiếp xúc với tia cực tím cần trong thời gian dài và với liều tích lũy cao mới gây tăng nguy cơ ung thư da. Khi được kiểm soát của bác sĩ da liễu, họ sẽ biết chính xác khi nào cần sử dụng và cách sử dụng như thế nào cho an toàn. Một điều nữa, các bác sĩ sử dụng tia UVB dải hẹp có bước sóng 311 ± 1 nm để điều trị vảy nến, bạch biến, viêm da cơ địa... nên rất an toàn cho da khi được dùng đúng cách”, ThS.BS Tâm chia sẻ thêm.

Hội Da liễu Mỹ cảnh báo, tia UV của đèn sơn móng tay mạnh gấp 4 lần so với ánh nắng mặt trời. 10 phút dùng đèn tương đương với công nhân làm việc cả ngày dưới ánh nắng mặt trời. Khi sử dụng máy hong móng tay với tia UV từ 8-208 lần có thể phá hủy các tế bào da theo hướng làm tăng nguy cơ ung thư.

Viêm quanh móng, dày sừng dưới móng do sơn móng tay.Viêm quanh móng, dày sừng dưới móng do sơn móng tay.

Nhiều người mắc bệnh vì làm móng

Theo ThS.BS Tâm, bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân bị bệnh về da liên quan đến làm móng, trong đó nhiều nhất phải kể đến là viêm da tiếp xúc. Bệnh nhân không chỉ bị mụn nước, ban đỏ, ngứa quanh móng ở vùng tiếp xúc và bàn tay, thâm da, mà còn bị dày sừng dưới móng, tách móng, loạn dưỡng móng, viêm quanh móng… Đặc biệt, nhiều bệnh nhân còn bị viêm mi mắt và nhiều vùng da nhạy cảm khác trên cơ thể do móng tay chạm vào…

ThS. BS Hoàng Văn Tâm đang điều trị cho bệnh nhân.

ThS. BS Hoàng Văn Tâm đang điều trị cho bệnh nhân.

Nguyên nhân là do trong chất liệu dùng để sơn hay móng nhân tạo có Acrylates và các dẫn xuất của nó. Vì vậy, theo ThS.BS Tâm, phụ nữ mang thai, người có cơ địa dị ứng… không nên làm móng.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều hóa chất độc hại có trong sơn móng tay dạng gel gây nguy hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, Dibutyl phthalate (chất làm bóng) có thể gây rối loạn nội tiết, suy gan, suy thận ở trẻ em; Toluene (giữ màu sơn, tạo sự mượt mà) có thể hấp thụ vào máu gây buồn ngủ, đau đầu và ảnh hưởng tới đường hô hấp; Benzen, Formaldehyde, Ethyl methacrylate… (chất tẩy và làm cứng) có thể gây vô sinh và ung thư máu, ung thư vòm họng, ung thư hạch, ung thư vú và ung thư buồng trứng… ảnh hưởng tới tuyến tiền liệt, rối loạn tuyến giáp, các vấn đề về thần kinh, tiểu đường và thậm chí là bệnh béo phì.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có từ 2 - 3 triệu ca ung thư da không phải u hắc tố và 132.000 ca ung thư da hắc tố trên toàn cầu mỗi năm.

Tại Việt Nam, ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp với tỷ lệ trung bình 2,9 - 4,5 ca/100.000 dân. Bệnh đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, xuất hiện cả ở lứa tuổi 20 - 30. Nguyên nhân gây bệnh do tia cực tím, tia phóng xạ, chất thạch tín, hóa chất diệt cỏ, sẹo, mụn cơm…

Thúy Nga