Khoa học & Công nghệ

Những sự kiện Khoa học Công nghệ nổi bật năm 2023

  • Tác giả : Thanh Phong
Năm 2023 được lựa chọn là Năm dữ liệu số quốc gia, Chiến lược chuyển đổi số báo chí, Hàng triệu sim rác bị xóa sổ, Viettel công bố nghiên cứu thành công chip 5G,.. là những điểm nhấn khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.

Năm dữ liệu số quốc gia 2023

Ngày 04/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định số 17 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023, trong đó có nội dung quan trọng là xác định 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia nhằm giúp khai thác dữ liệu số, đồng thời tạo ra các giá trị mới.

Năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia nhằm giúp khai thác dữ liệu số, đồng thời tạo ra các giá trị mới.

Năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia nhằm giúp khai thác dữ liệu số, đồng thời tạo ra các giá trị mới.

Kế hoạch tập trung vào các nội dung như: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Cụ thể, phấn đấu 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục. 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

100% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Kế hoạch đặt chỉ tiêu 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.

30% thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công; 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.

Phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí

Ngày 6/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 348 Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chiến lược xác định việc chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Qua đó, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.

Chuyển đổi số báo chí nhằm đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Mục tiêu đến năm 2025, có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Chiến lược cũng nêu rõ đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Bên cạnh đó, 100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên.

Đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí; 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên; hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Hàng triệu sim rác bị xóa sổ

Để ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán SIM tràn lan tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động quyết liệt thực hiện việc rà soát, làm rõ đối với các khách hàng sở hữu nhiều SIM, ngăn chặn tối đa tình trạng SIM rác, đồng thời tiến hành chuẩn hóa lại thông tin các thuê bao.

Tình trạng cuộc gọi và tin nhắn rác chưa thể ngăn chặn hoàn toàn.

Tình trạng cuộc gọi và tin nhắn rác chưa thể ngăn chặn hoàn toàn.

Chiến dịch đi qua nhiều giai đoạn, từ chuẩn hóa thông tin thuê bao theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào tháng 3, đến mở rộng thanh kiểm tra các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức, cá nhân đứng tên từ 10 thuê bao trở lên trên khắp cả nước vào tháng 5.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2023, các nhà mạng đã xử lý hơn 11 triệu thuê bao không trùng khớp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong số 11 triệu thuê bao này có 3,5 triệu thuê bao đã chuẩn hóa lại thông tin; 7,5 triệu thuê bao bị khóa, thu hồi. (trong số này có 4 triệu thuê bao bị khóa liên quan đến giấy tờ hết hạn hoặc giấy tờ có nghi vấn giả mạo).

Tuy nhiên, tình trạng cuộc gọi và tin nhắn rác chưa thể ngăn chặn hoàn toàn, đồng thời xuất hiện thêm các chiêu thức mới như phát tán tin nhắn qua trạm BTS giả mạo, ứng dụng OTT.

Viettel công bố nghiên cứu thành công chip 5G

Ngày 27/10, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết đã nghiên cứu thành công Chip 5G DFE.

Dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, dòng chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (Khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Chip 5G DFE có mức độ phức tạp tương đương chip Apple A7, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây.

Việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại.

Cơn sốt AI ở Việt Nam

ChatGPT mở đầu cho cơn sốt AI tạo sinh (Generative AI) ở Việt Nam. Từ đầu năm, dù OpenAI chưa triển khai chatbot này ở thị trường trong nước, nhiều người sẵn sàng chi hàng trăm nghìn đồng mua tài khoản, dùng IP ảo để trải nghiệm.

Ban đầu AI thu hút người dùng vì sự tò mò, nhưng rất nhanh sau đó, các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT đã được nghiên cứu, ứng dụng trong hàng loạt lĩnh vực như giải trí, giáo dục, tài chính.

ChatGPT mở đầu cho cơn sốt AI tạo sinh (Generative AI) ở Việt Nam.

ChatGPT mở đầu cho cơn sốt AI tạo sinh (Generative AI) ở Việt Nam.

Nhiều nhà văn Việt dùng ChatGPT để biên soạn mục lục và tư duy đề tài; giáo viên và học sinh sử dụng như một công cụ hỗ trợ thông tin. Trước sự phổ biến của chatbot, các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng đàn hàng chục tọa đàm để thảo luận cách phản ứng với cơn sốt AI.

Công cụ AI tạo ảnh cũng mở ra trào lưu mới ở Việt Nam. Các ứng dụng biến ảnh selfie thành avatar như Remini, ảnh theo phong cách anime của Loopsie liên tục vượt qua các nền tảng truyền thông xã hội để đứng đầu danh sách ứng dụng được tải nhiều nhất Việt Nam trên App Store.

Các doanh nghiệp, tổ chức và startup trong nước cũng không đứng ngoài xu hướng. Đầu tháng 9, ứng dụng dịch thuật của hai du học sinh Việt nhận khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng tại Mỹ nhờ kết hợp AI để chuyển văn bản tiếng Việt thành tiếng Anh cùng 100 ngôn ngữ khác nhau. Đầu tháng 12, VinAI giới thiệu mô hình PhởGPT với 7,5 tỷ tham số. Cũng trong tháng 12, Viettel đề nghị hợp tác với Nvidia để tạo siêu máy tính chứa 1.000 GPU nhằm xây dựng và huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử, tài chính ngân hàng cũng đang tích hợp AI tạo sinh vào chatbot tương tác với khách hàng. Việt Nam cũng ghi nhận sự hợp tác với nhiều nhà khoa học, doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực AI toàn cầu, như giáo sư Andrew Ng của Landing AI, CEO Jensen Huang của Nvidia.

Theo báo cáo Market Insights của Statista, quy mô thị trường AI tạo sinh ở Việt Nam ước tính vượt mốc 100 triệu USD trong 2023.

Năm tuyến cáp quang biển gặp sự cố

Hạ tầng Internet Việt Nam bất ổn ngay từ đầu năm khi toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam với thế giới đều gặp trục trặc. Trong đó, ba tuyến AAG, AAE-1, APG lỗi từ 2022 chưa khắc phục xong. Đến ngày 28/1, tuyến cáp tiếp theo là IA mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế hướng đi Singapore. Chưa đầy một tháng sau, tuyến cuối cùng là SMW-3 cũng bị gián đoạn.

26 năm kể từ khi Việt Nam hòa vào mạng Internet toàn cầu, đây là lần đầu cả năm tuyến gặp vấn đề cùng lúc, khiến việc truy cập Internet của người dùng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhà mạng ước tính các tuyến cáp quang biển của Việt Nam mất khoảng 75% dung lượng đường truyền. Một ban chỉ đạo ứng cứu sự cố đã được Bộ Thông tin và Truyền thông lập ra ngay trong tháng 2. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam được yêu cầu mua thêm dung lượng qua đường đất liền, áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm san tải, đồng thời chia sẻ dung lượng cho nhau.

Sự cố đã bộc lộ việc hạ tầng Internet của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đối số, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường Internet. Trong cả năm 2023, những lần đứt cáp đơn lẻ vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi việc khắc phục lỗi cũ kéo dài nhiều tháng, khiến hạ tầng cáp quang biển chưa một ngày nào nguyên vẹn.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ sớm ban hành Kế hoạch phát triển cáp quang quốc tế Việt Nam. Các nhà mạng cũng khẳng định sẽ đưa vào hoạt động hai tuyến cáp mới là ADC và SJC2 trong năm 2024. Mỗi tuyến dự kiến bổ sung 18 Tbps dung lượng Internet cho Việt Nam.

Khánh thành Trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Hòa Lạc

Sáng 25/10, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khai trương Trung tâm Dữ liệu (IDC) lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam tại Hòa Lạc, tổng diện tích sử dụng lên tới 23.000 m2 sàn, có quy mô đến 2.000 tủ racks.

Các thiết bị trong Trung tâm dữ liệu được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng tới từ các nước G7 như Cumin, Hitachi, Siemens…Trung tâm có khả năng kết nối mạng siêu tốc, trung bình 2 Gbps/rack đối với kết nối trong nước và 0.5 Gbps/rack với kết nối mạng quốc tế.

Hệ thống giám sát an ninh theo 6 lớp bảo mật từ ngoài vào trong Data Hall của IDC đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp đảm bảo an toàn dữ liệu của khách hàng ở mức cao nhất và luôn được hỗ trợ 24/7.

Thanh Phong