Y học và đời sống

Những em bé vừa chào đời đã có cân nặng “kỷ lục”

  • Tác giả : Thu Hương
Mới đây, bé trai mới sinh với cân nặng 6kg ở Hà Tĩnh đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhưng đây không phải là trường hợp hiếm hoi ở Việt Nam.

Bé trai sơ sinh có cân nặng "khủng" 7,1kg ở Vĩnh Phúc

Bé trai kháu khỉnh chào đời với cân nặng kỷ lục 7,1kg

Bé trai kháu khỉnh chào đời với cân nặng kỷ lục 7,1kg

Ngày 14/10/2017, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc một bé trai đã chào đời với số cân nặng 7,1kg khiến gia đình và các bác sĩ đều bất ngờ.

Được biết, em bé là con trai anh Trần Văn Quân và chị Nguyễn Kim Liên, thuộc xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Anh Quân cho biết, con trai đầu lòng của anh chào đời nặng 4,2kg. Còn khi mang bầu lần 2, vợ anh không tẩm bổ gì đặc biệt.

Bé gái sơ sinh ở Bắc Giang nặng 6,2kg

Ngày 29/8/2022, chị Đ.T.H., 30 tuổi, quê ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vào Khoa Phụ sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang với dấu hiệu đau bụng chuyển dạ, thai 39 tuần 4 ngày.

Các bác sĩ nhận định sản phụ mang thai lớn hơn mức bình thường, tuổi thai 39 tuần 4 ngày trên nền mổ đẻ cũ, tiền sản giật và chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu.

Sau 30 phút, bé gái chào đời với cân nặng 6,2 kg trước sự bất ngờ của mẹ và toàn bộ kíp phẫu thuật.

Bé trai nặng gần 5,8kg chào đời tại TP.HCM

Theo thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, ngày 28/2/2023, bệnh viện này đã tiếp nhận ca mổ sanh một sản phụ có bé trai sơ sinh nặng 5.770g (gần 5,8kg). Bé được sinh ra khi mẹ bé mang thai được 38,5 tuần tuổi. Mẹ bé là chị N.T.A.T., 29 tuổi, ngụ ở quận 8, TP.HCM, có vết mổ cũ. Bé là con thứ 2 của chị.

Bé trai nặng 5,8kg khi vừa trào đời. Ảnh: TC

Bé trai nặng 5,8kg khi vừa trào đời. Ảnh: TC

Bé trai sơ sinh ở Hà Tĩnh nặng 6kg

Mới đây nhất là bé trai ở Hà Tĩnh khi vừa chào đời bé đã nặng 6kg. Theo đó, ngày 29/3, sản phụ Đ.T.T.M., 28 tuổi, trú tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) có dấu hiệu sắp sinh, được người thân đưa vào Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn để kiểm tra.

Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán sản phụ mang thai lần 2, lần đầu sinh bé nặng 4,2 kg. Lần này thai ở tuần 40 có trọng lượng lớn hơn bình thường, ối vỡ non nên chỉ định mổ đẻ.

Ca mổ đẻ bắt đầu được thực hiện từ khoảng 18h40-19h cùng ngày. Bé trai sơ sinh chào đời có cân nặng đến 6kg.

Được biết, vào cuối tháng 2 vừa qua, cũng tại Hà Tĩnh, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cũng mổ đẻ thành công cho một sản phụ 36 tuổi, đón bé gái sơ sinh nặng 6kg.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh khi vừa ra đời có cân nặng trung bình là 3kg, nếu những bé có cân nặng khi vừa chào đời trên 4kg sẽ có nguy cơ gặp phải những vấn đề như: Dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn.

Đối với sản phụ, khi mang thai quá to sẽ có những ảnh hưởng đến cơ thể như:

- Tổn thương âm đạo: Khi em bé được sinh ra, em bé có thể làm rách âm đạo của người mẹ hoặc các cơ giữa âm đạo và hậu môn, các cơ đáy chậu.

- Chảy máu sau đẻ: Em bé lớn có thể ngăn cơ tử cung co bóp như bình thường sau khi sinh. Điều này có thể dẫn đến chảy máu quá mức.

- Vỡ tử cung: Nếu bạn đã từng sinh mổ hoặc phẫu thuật tử cung, tử cung có thể bị rách trong khi sinh. Biến chứng này có thể đe dọa tính mạng.

Để kiểm soát được vấn đề cân nặng của bé khi còn ở trong bụng mẹ, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên thường xuyên khám thai định kỳ và làm xét nghiệm xem mình có bị đái tháo đường không. Những trường hợp bị đái tháo đường, cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu được điều trị thích hợp, có thể giảm đến 50% số trẻ sinh ra nặng cân và các biến chứng sơ sinh. Nếu các bác sĩ đã chỉ định là thai to, thai phụ nên chọn phương pháp sinh mổ để hạn chế những tai biến cho cả mẹ và con. Sau khi sinh, với những em bé nặng cân, cha mẹ cần cho bé đi khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời xử lý nếu có bất thường gì xảy ra. Bên cạnh đó, phụ nữ khi mang thai cần tự kiểm soát được mức cân nặng của bản thân bằng những cách như: Nếu mẹ thừa cân hoặc béo phì, người mẹ hãy cố gắng giảm cân trước khi mang thai.
Khi mang thai, hãy cố gắng thai phụ nên thực hiện theo chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng: Có chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt, cá có nạc ít mỡ. Tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu calo và đường. Tăng cân với tốc độ ổn định và vừa phải, trung bình từ 11,3 - 15,9 kg trong suốt quá trình mang thai là tốt nhất.

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục vừa phải khi mang thai có thể giúp điều chỉnh tăng cân và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định mức độ và loại bài tập nào là an toàn cho bà mẹ.

Quản lý bệnh tiểu đường thai kỳ: Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng có thể dẫn đến em bé to hơn mức trung bình. Quản lý đúng cách bệnh tiểu đường thai kỳ có thể giúp giảm nguy cơ sinh con to.

Thu Hương