Đời sống

Những điều cần tránh trong lễ cúng ông Công ông Táo

  • Tác giả : Hải Châu
Ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Táo về chầu giời. Trong lễ cúng này, có một số điều cần tránh.

Cúng sau giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp

Theo tín ngưỡng dân gian, sau 12 giờ trưa, cửa thiên đình sẽ đóng.

cung-ong-cong-ong-tao.jpg
Không cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ trưa 23 tháng Chạp.

Chính vì vậy, lễ cúng Công ông Táo có thể tiến hành trước ngày 23 tháng Chạp, hoặc đúng ngày, tuy nhiên, nhất định không thể cúng sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. 

Nếu thả cá sau 12h trưa, Táo quân sẽ không thể lên Thiên Đình báo cáo với Ngọc Hoàng.

Đặt mâm cúng dưới bếp
Nhiều người cho rằng, vì ông Táo là vị thần trông coi chuyện bếp núc nên phải đặt mâm cỗ cúng dưới bếp. Tuy nhiên, đây là quan niệm không đúng.

Lễ cúng ông Công ông Táo cần đặt ở bàn thờ chính trong nhà. Bếp núc là nơi nấu nướng, dễ bị ám mùi, bừa bộn, không phải nơi thích hợp để đặt mâm cúng.

Cúng tiền âm phủ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ.

Cũng không nên mua vàng mã thật nhiều và cho rằng, tiền càng nhiều thì ông Táo sẽ càng bẩm tấu những điều tốt đẹp cho gia chủ. Thực tế, mọi việc cần thành tâm và trung thực. Đừng bao giờ nghĩ rằng có thể dùng tiền để "hối lộ" được thần tiên.

Thả cá chép mà không quan tâm sống, chết

Theo tín ngưỡng dân gian, thả cá chép là để các Táo có phương tiện lên thiên đình. Còn theo quan niệm nhà Phật, việc thả cá chép có ý nghĩa phóng sinh.

Tuy nhiên, nhiều người thả cá chép không đúng, như thả từ trên cao xuống có thể làm chết cá, quăng cả túi nilon ra ao, hồ... gây ô nhiễm môi trường thì sẽ làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của hành động này.

Thay vào đó, hãy thả cá ở ao, hồ có nguồn nước không bị ô nhiễm. Khi thả, cần nhẹ nhàng, nghiêng nhẹ túi, vật đựng cá để cá tự bơi ra hồ...



Hải Châu