Giáo dục

Nhồi nhét kiến thức sớm cho trẻ, có thể dẫn đến "tắc nghẽn kiến thức"

  • Tác giả : Minh Trí
(khoahocdoisong.vn) - Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giáo dục sớm không phải là bằng mọi cách lấp đầy, nhồi nhét kiến thức sớm cho trẻ. Điều đó có thể khiến trẻ bị "tắc nghẽn" kiến thức, tạo ra sự ức chế, căng thẳng.

Việc giáo dục sớm cho trẻ đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Có người cho con theo học rất nhiều lớp, với mong muốn để con có thể phát triển được hết khả năng của mình. Vậy điều này có tốt hay không?

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 6 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường. Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành. Những sự tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ tạo nên những hệ kết nối làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này. Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng. Đây cũng chính là lý do và tầm quan trọng của việc giáo dục sớm.

Tuy nhiên, khái niệm giáo dục sớm hiện nay được nhiều phụ huynh hiểu chưa đúng. Theo đó, giáo dục sớm không phải là giáo dục thiên tài hay thần đồng, thúc đẩy con phát triển sâu về một lĩnh vực nào đó ngay từ nhỏ và thúc đẩy một cách cưỡng ép. Điều này khiến cho trẻ gặp nhiều áp lực và đôi khi không những không phát triển mà còn làm mất đi những cảm xúc của trẻ ở lĩnh vực đó.

Giáo dục sớm cũng không phải là nhằm trang bị cho trẻ nhiều kiến thức khi trẻ còn bé. Tiếp thu kiến thức là một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời con người và càng trưởng thành thì việc tiếp thu kiến thức diễn ra ở cả bề rộng và chiều sâu.

Bộ não của trẻ cũng nên có những "khoảng trống" nào đó để chuẩn bị cho việc trẻ học kiến thức trong tương lai. Nếu chúng ta bằng mọi cách lấp đầy kiến thức ngay từ sớm sẽ làm cho trẻ bị nhồi nhét kiến thức, bị "tắc nghẽn" kiến thức, từ đó tạo ra sự ức chế, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống của trẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho biết, giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học của các lứa tuổi lớn hơn. Nhiều gia đình quan tâm và muốn con mình phát triển vượt trội hơn so với các bạn, chuẩn bị cho con bước vào trường tiểu học không phải bỡ ngỡ với kiến thức, đã đem nhiều kiến thức của lứa tuổi lớn hơn, buộc trẻ phải học trước, buộc trẻ phải "chín ép".

Minh Trí