Dữ liệu y khoa

Nhồi máu cơ tim vì hội chứng động mạch vành cấp

  • Tác giả : PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn
(khoahocdoisong.vn) - Đau ngực khi thay đổi thời tiết hoặc đau khi gắng sức thì cần nghĩ đến hội chứng động mạch vành cấp. Bệnh rất dễ gây nhồi máu cơ tim và suy tim.

Hội chứng động mạch vành cấp là một thể lâm sàng thay đổi từ cơn đau thắt ngực không ổn định đến nhồi máu cơ tim ST chênh lên, chủ yếu do vữa xơ lòng động mạch, dẫn tới sự rối loạn cấu trúc và chức năng của động mạch vành (ĐMV), làm hẹp hoặc tắc động mạch vành, gây thiếu máu và tổn thương cơ tim.

Cơn đau thắt ngực là một trong các dấu hiệu hay gặp nhất của bệnh ĐMV. Đau ở vùng giữa ngực, sau xương ức hay vùng trước tim. Đau có thể lan lên cổ, ra hàm, ra cánh tay, thường gặp nhất là lan ra bên trái, đôi khi đau ở vùng thượng vị. Cảm giác bó chặt, thắt ngẹt, đè ép, đôi khi chỉ là cảm giác khó chịu trong ngực. Có trường hợp đau lan ra sau lưng, ra vùng cột sống làm người bệnh tưởng lầm là đau do thoái hóa cột sống thắt lưng.

Các cơn đau thường xảy ra: Đau thắt ngực khi gặp gió lạnh; Đau lan ra tay trái; Cơn đau thắt ngực ổn định. Đặc biệt, nếu cơn đau thắt ngực xuất hiện khi gắng sức nhẹ, hay khi đang nghỉ ngơi, thì nhiều khả năng bạn đã bị “hội chứng động mạch vành cấp”. Hội chứng này bao gồm một số thể sau:

Cơn đau thắt ngực không ổn định: Cơn đau thắt ngực kéo dài hơn bình thường hoặc xuất hiện khi nghỉ ngơi. Bạn có thể chưa bao giờ bị đau thắt ngực khi gắng sức trước đó. Cơn đau thắt ngực không ổn định có thể tự hết, nhưng nguy cơ chủ yếu là có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim: Do tắc hoàn toàn một nhánh ĐMV, gây hoại tử một vùng cơ tim. Nhồi máu cơ tim biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực xuất hiện khi nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài hơn và mức độ đau thường dữ dội hơn. Cơn đau này khác với các cơn trước, thường kèm theo cảm giác lo lắng, khó thở, vã mồ hôi. Bạn có thể chưa bao giờ bị đau ngực trước đó.

Nhồi máu cơ tim cấp thường xảy ra sau vài ngày hoặc sau vài tháng. Hậu quả của nhồi máu cơ tim nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu không được điều trị sớm có nguy cơ bị mất một phần cơ tim của mình. Đôi khi có thể bị nhồi máu cơ tim mà không có biểu hiện đau ngực. Các bác sĩ có thể phát hiện ra bạn bị nhồi máu cơ tim bởi tình cờ làm điện tâm đồ. Những người bị đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc lớn tuổi thường không rõ cơn đau ngực hay đau ngực không điển hình khi bị nhồi máu cơ tim, người ta thường gọi là "nhồi máu cơ tim thầm lặng". Chỉ có điện tâm đồ và xét nghiệm máu là có thể nhanh chóng phân biệt được hai thể trên của hội chứng động mạch vành cấp. Do vậy, bạn nên làm các thăm dò trên càng sớm càng tốt.

Suy tim: Suy tim là một biểu hiện muộn của bệnh ĐMV. Suy tim có thể xuất hiện sau khi bị nhồi máu cơ tim nặng, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác làm cơ tim bị yếu dần đi.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn